Doanh số Mazda CX-5 gần bằng Territory và CR-V cộng lại

0
19
Thị phần sau 8 tháng 2024 của CX-5 đạt 36%, hai mẫu Honda CR-V và Ford Territory là 37%.

Tâm lý khách hàng trì hoãn mua xe để chờ ưu đãi lệ phí trước bạ của Chính phủ có hiệu lực từ tháng 9 khiến hầu hết các phân khúc đều giảm doanh số trong tháng 8. Mảng xe gầm cao cỡ C ở tháng này giảm 10% lượng bán so với tháng 7. Mazda CX-5Ford Territory vẫn là hai cái tên bán chạy nhất, chiếm hơn 50% thị phần phân khúc nói chung.

Với lợi thế giá bán thuộc hàng dễ tiếp cận nhất phân khúc, CX-5 tiếp tục thể hiện ưu thế áp đảo so với các đối thủ khác. Mức giảm nhẹ 5-10 triệu tại đại lý tùy phiên bản giúp mẫu xe được lắp ráp bởi Trường Hải tiếp tục tạo sức ép lên các đối thủ. Giá bán từ 749 triệu đồng của CX-5 thậm chí giành khách của các mẫu sedan cỡ C hay gầm cao cỡ B.

Trong tháng 8, Mazda CX-5 là mẫu xe duy nhất phân khúc bán hơn 1.000 chiếc. Doanh số lũy kế đến tháng 8 đạt hơn 7.300 chiếc, chiếm khoảng 36% thị phần phân khúc. Con số này gần tương đương hai đối thủ xếp sau là Territory và CR-V cộng lại (7.463 chiếc – 37% thị phần).

  • Mẫu CX-5 2024 lăn bánh tại nhà máy của Thaco ở Quảng Nam. Ảnh: Thaco

Territory là một trường hợp thú vị ở phân khúc CUV cỡ C. Gốc phát triển từ Trung Quốc từng là khía cạnh tạo nên những tranh cãi trái chiều về chất lượng, nhưng doanh số Territory từng bước vượt lên các đối thủ vốn quen thuộc trước đó với khách Việt như Honda CR-V, Hyundai Tucson… Ngoại hình trung tính, không rắn rỏi như các mẫu xe khác của Ford khiến Territory được lòng số đông.

Ford định giá Territory thấp khi mới mở bán và tiếp tục hạ giá khi CX-5 tạo mức sàn mới, giúp duy trì tính cạnh tranh trong phân khúc. Những khía cạnh về tiện nghi, trang bị, Territory cũng ngang ngửa các đối thủ nhóm đầu. Sau 8 tháng, Ford Territory bán hơn 4.200 xe, chỉ xếp sau CX-5 về thị phần.

Honda CR-V thế hệ mới bán từ tháng 10/2023 với đa dạng phiên bản hơn, giá thuộc hàng đắt nhất phân khúc. Trải nghiệm lái với mẫu xe Honda thú vị hàng đầu nhóm xe cỡ C nhưng yếu tố giá cao vẫn là trở ngại.

Bản nâng cấp của Hyundai Tucson dự kiến ra mắt trong những tháng tới. Nguồn cung xe giảm, khách hàng cũng chờ đợi bản mới để ra quyết định khiến sức hút mẫu xe Hyundai giảm dần tại đại lý.

Kia SportageMitsubishi Outlander vẫn là những cái tên bán chậm nhất phân khúc CUV cỡ C. Thị phần hai mẫu này chiếm lần lượt khoảng 8% và 4%. Kể từ khi bước sang thế hệ mới, ngoại hình thiên hướng thể thao, nhiều đường cắt xẻ táo tạo ở ngoại thất khiến Sportage kén khách hơn trước. Còn với Outlander, thế hệ hiện tại gần như lỗi thời về thiết kế và trang bị so với các đối thủ khi nhiều năm qua không có nâng cấp mới đáng kể.

Phạm Trung