Độc đáo thành đá Tà Kơn triệu năm tuổi

0
236
Cách Quy Nhơn khoảng 140km về phía tây có một thành đá kỳ vĩ được thiên nhiên kiến tạo như một bức tường khổng lồ giữa núi rừng. Đó là thành đá Tà Kơn, ở làng K8, xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Thạnh, tỉnh Bình Định.
Một nữ du khách tò mò, thích thú trước vẻ đẹp của những khối đá và cách chúng nối liền với nhau - Ảnh: LÂM THIÊN

Một nữ du khách tò mò, thích thú trước vẻ đẹp của những khối đá và cách chúng nối liền với nhau – Ảnh: LÂM THIÊN

Thành đá Tà Kơn (tiếng Ba Na có nghĩa là đá lớn xếp thành lũy) kỳ vĩ đã được thiên nhiên ban tặng cho làng K8.

Ở đây các cột đá tự nhiên có trụ hình chữ nhật, hình lục giác xếp sít nhau thành một bức tường dài khoảng 500m, cao 30 – 40m.

Sự sắp đặt độc đáo của thiên nhiên

Thành đá Tà Kơn với những khối đá hình trụ xếp chồng lên nhau cao hàng chục mét giữa núi rừng hoang vu khiến nhiều người thích thú - Ảnh: LÂM THIÊN

Thành đá Tà Kơn với những khối đá hình trụ xếp chồng lên nhau cao hàng chục mét giữa núi rừng hoang vu khiến nhiều người thích thú

Theo thông tin từ Bảo tàng Quang Trung, thành Tà Kơn được hình thành do biến đổi kiến tạo địa chất cách đây hàng triệu năm.

“Tôi không ngờ giữa rừng núi hoang vu mà có một tuyệt tác đẹp và ấn tượng như thế này” – chị Nguyễn Thị Tường Vy (ở Quy Nhơn) thực sự ngạc nhiên khi đến đây, tận tay sờ vào những khối đá kỳ lạ giữa chốn rừng sâu núi thẳm này.

Trao đổi với chúng tôi, ông Tô Hiếu Trung – chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh – cho biết trong lịch sử, khu vực thành Tà Kơn là căn cứ của nghĩa quân Tây Sơn từ những ngày đầu khởi nghĩa.

Thành đá Tà Kơn dài khoảng 500m, cao từ 30-40m, nằm giữa núi rừng là tuyệt tác của quá trình biến đổi kiến tạo địa chất cách đây hàng triệu năm

Thành đá Tà Kơn dài khoảng 500m, cao từ 30-40m, nằm giữa núi rừng là tuyệt tác của quá trình biến đổi kiến tạo địa chất cách đây hàng triệu năm

“Còn thời kỳ lịch sử hiện đại, 30 năm kháng chiến chống Pháp và Mỹ, khu vực thành Tà Kơn từng là hậu cứ của du kích và quân chủ lực huyện Vĩnh Thạnh cho đến ngày đất nước thống nhất năm 1975” – ông Trung thông tin.

Ngày 25-12-2013, thành Tà Kơn được UBND tỉnh Bình Định xếp hạng di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh.

Mở tour du lịch sinh thái đến thành đá Tà Kơn

Những khối đá hình trụ xếp chồng lên nhau rất ngay ngắn và hoàn mỹ

Những khối đá hình trụ xếp chồng lên nhau rất ngay ngắn và hoàn mỹ

Vừa qua, đích thân ông Hồ Quốc Dũng – bí thư Tỉnh ủy Bình Định – đã đến khảo sát thành đá Tà Kơn. Ông cho hay tỉnh Bình Định đang hỗ trợ huyện Vĩnh Thạnh làm quy hoạch toàn bộ không gian thành đá Tà Kơn và kêu gọi các nhà đầu tư vào đây.

“Tỉnh Bình Định sẽ quy hoạch khu vực thành đá Tà Kơn trở thành một địa điểm du lịch sinh thái gắn với rừng. Tại nơi này, những khu vực nào trống thì tỉnh sẽ thiết kế tạo thành những điểm để du khách có thể ngắm cảnh.

Bên cạnh đó tỉnh sẽ phục dựng lại một số cảnh xưa để thành một câu chuyện huyền thoại trong truyền thuyết của người dân ở nơi này” – ông Dũng nói.

Những khối đá nằm chồng lên nhau hàng triệu năm giữa núi rừng hoang vu 

Những khối đá nằm chồng lên nhau hàng triệu năm giữa núi rừng hoang vu

Còn Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh Tô Hiếu Trung cho hay huyện này đang xây dựng tour du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng cộng đồng kết nối các điểm du lịch trên địa bàn huyện với nhau. Trong đó, thành Tà Kơn là một trong những điểm đến đặc sắc.

Ông nói khi du khách tham quan thành đá Tà Kơn xong và muốn lưu trú lại thì có thể về xã Vĩnh Sơn. Tại đây du khách sẽ được phục vụ các món ăn dân dã, đặc sắc của bà con nơi này và trải nghiệm, khám phá đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số bản địa.

Hiện nay đã có đường bê tông dài 3,3km, rộng 2m nối từ đường lớn đi vào thành Tà Kơn giúp người dân và du khách dễ dàng đến đây để trải nghiệm hơn.

Du khách có thể trải bước trên con đường bậc thang dài hàng trăm mét để chiêm ngưỡng vẻ đẹp của thành đá Tà Kơn

Du khách có thể trải bước trên con đường bậc thang dài hàng trăm mét để chiêm ngưỡng vẻ đẹp của thành đá Tà Kơn