Dongfeng-T5 – SUV Trung Quốc hấp dẫn, liệu có lấy được lòng người Việt?

0
21
Mẫu SUV/Crossover tầm trung Dongfeng T5 đến từ Trung Quốc vừa chính thức ra mắt tại thị trường Việt Nam, với mức giá phiên bản cao cấp chỉ rơi vào khoảng 700 triệu đồng.

Sở hữu ngôn ngữ thiết kế đẹp mắt, cá tính cùng khối động cơ từ BMW và đặc biệt là mức giá dễ chịu hơn rất nhiều so với các đối thủ cùng phân khúc như Hyundai Tucson hay Mazda CX-5; Dongfeng T5 thu hút được sự quan tâm rất lớn từ giới truyền thông cũng như khách hàng Việt.

Các dòng xe hơi đến từ thương hiệu Trung Quốc luôn tạo được sự hấp dẫn ban đầu với người tiêu dùng tại thị trường Việt bởi lợi thế cực lớn về giá bán và trang bị. Những hãng xe Trung Quốc có giá bán khá mềm đã có mặt ở Việt Nam có thể kể đến như Zotye với mức bán chỉ dao động từ 500 – 800 triệu đồng. Hay Baic được nhập khẩu từ Trung Quốc cũng có mức giá dưới 1 tỉ đồng. So với những mẫu xe cùng phân khúc đến từ các hãng xe Nhật Bản, Hàn Quốc hay Châu Âu thì có thể thấy giá bán của những chiếc xe từ Trung Quốc “dễ thở” hơn rất nhiều.

Mặc dù sở hữu giá bán tương đối rẻ, nhưng các mẫu xe Trung Quốc lại được trang bị “tận răng” các công nghệ và tiện ích nổi bật, xứng tầm với xe của Hàn, Nhật hay thậm chí là Châu Âu. Một trong những mẫu SUV/Crossover Trung Quốc gây chú ý, mới ra mắt tại Việt Nam là Dongfeng T5. Với mức giá chỉ 689 triệu đồng, nhưng ấn tượng ban đầu mà chiếc xe này mang lại đủ để người tiêu dùng Việt ao ước được sở hữu.

Kích thước tổng thể dài x rộng x cao của T5 lần lượt là 4550 x 1825 x 1725 mm, cao hơn đối thủ Mazda CX-5 đôi chút (1680 mm). Tổng thể thiết kế về nội – ngoại thất của Dongfeng T5 mang phong cách trẻ trung, cá tính và được lấy cảm hứng trực tiếp từ các mẫu xe phương tây. Nếu chỉ nhìn sơ qua, quả thực rất dễ nhầm lẫn Dongfeng T5 là một chiếc xe hơi đến từ Đức, đặc biệt là Volkswagen.

Nổi bật ở phần đầu xe là bộ lưới tản nhiệt màu đen với các chi tiết mạ crom sáng bóng, logo thương hiệu Dongfeng được đặt ngay chính giữa trung tâm. Cụm đèn pha LED sở hữu kiểu dáng góc cạnh, mạnh mẽ ăn sâu vào khu vực bộ lưới tản nhiệt, khá giống với thiết kế trên Volkswagen Touareg. 

Thân xe Dongfeng T5 đem lại cảm giác to lớn và khỏe khoắn đáng có trên một mẫu SUV/Crossover với các đường gân dập nổi chạy liền mạch. Nổi bật ở khu vực thân xe là các chi tiết crom trên đường viền cửa sổ, tay nắm cửa. Bộ lazang đa chấu dạng xoáy bắt mắt đầy sắc nét cùng các vòm bánh được ốp màu đen góp phần đem lại cảm giác mạnh mẽ và trở nên hài hòa với tổng thể xe.

Nhờ sở hữu chiều dài cơ sở lên đến 2720mm, khoang nội thất Dongfeng T5 được đánh giá khá cao về độ rộng rãi và thông thoáng. Sự kết hợp các chất liệu da và nhựa với tông màu đỏ/đen càng giúp khoang nội thất trở nên đẹp mắt và thể thao. Và tương tự như các dòng xe khác đến từ Trung Quốc, khoang cabin của T5 cũng sở hữu đầy đủ trang thiết bị công nghệ cao, hỗ trợ đem đến cho người dùng trải nghiệm tiện nghi nhất. Có thể kể đến như màn hình LCD 12 inch được đặt dọc ở trung tâm khu vực taplo, đồng hồ kỹ thuật số 12.3 inch hiển thị đầy đủ thông số vận hành, hệ thống điều hòa tự động,…

Về hệ truyền động, Dongfeng T5 được trang bị động cơ xăng tăng áp, 4 xi-lanh, dung tích 1.6L, cho ra công suất tối đa 204 mã lực tại 6000 vòng/phút và momen xoắn cực đại 280 Nm tại 1600 – 4000 vòng/phút. Được biết, đây là khối động cơ có mã CE16 do tập đoàn BMW chế tạo và từng được lắp đặt trên các dòng xe 1-Series. T5 sử dụng hộp số ly hợp kép 7 cấp. Hiện chưa rõ cảm giác lái và khả năng vận hành thực tế mà Dongfeng T5 có thể đem lại.

Có thể thấy, Dongfeng T5 đem đến cho người dùng một sự lựa chọn mới về một dòng xe SUV/Crossover sở hữu thiết kế đẹp mắt, thời thượng, mang hơi hướng xe hơi phương tây. Đi kèm với đó lại là ưu điểm về trang thiết bị đầy đủ, tiên tiến hỗ trợ người lái, cùng mức giá bán rẻ hơn đến hàng trăm triệu so với các dòng xe cùng phân khúc đến từ Hàn Quốc hay Nhật Bản. Tuy nhiên, nếu để so sánh với các đối thủ cùng phân khúc đến từ thương hiệu Hàn hay Nhật như Mazda CX-5, Hyundai Tucson và Honda CR-V thì Dongfeng T5 nói riêng và các mẫu xe hơi đến từ Trung Quốc nói chung dường như không thực sự là một lựa chọn lý tưởng đối với người tiêu dùng Việt. Nguyên nhân có thể đến từ các lý do sau:

Thiết kế xe có thể hào nhoáng gây ấn tượng ban đầu nhưng thực tế lại chưa có điểm riêng, đa phần là cóp nhặt từ các thương hiệu xe đã có thâm niên và nổi tiếng trên thế giới. Hơn nữa để có giá bán rẻ, cạnh tranh thì các nhà sản xuất xe Trung Quốc đã sử dụng những vật liệu rẻ vì thế mà chất lượng hoàn thiện xe không cao. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến việc xe Trung Quốc thường không bền. Với người Việt Nam, ô tô ngoài là phương tiện đi lại, nó còn có ý nghĩa là món tài sản giá trị, vì vậy khi bỏ ra một số tiền lớn để mua xe, người tiêu dùng Việt chắc chắn sẽ đặt yếu tố độ bền của xe lên đầu tiên.

Các dòng xe Trung Quốc đã có mặt ở Việt Nam sau một thời gian sử dụng thường bị đánh giá là hay hỏng vặt, sửa chữa gặp nhiều khó khăn. Chất liệu và thiết kế xuống cấp nhanh gấp nhiều lần theo thời gian sử dụng so với xe Hàn, Nhật, Châu Âu. Gần đây nhiều người sử dụng than phiền dòng xe Trung Quốc tiêu tốn nhiên liệu quá nhiều, thậm chí có khi lên đến 15,5-15,7 lít/100 km, cao hơn rất nhiều so với một số dòng xe khác cùng phân khúc, dung tích động cơ.

Vì chất lượng không bền nên chi phí mua xe ban đầu có thể rẻ nhưng chi phí để nuôi xe trong quá trình sử dụng lại vô cùng tốn kém. Hơn nữa việc hay hỏng vặt còn gây bất tiện và phiền toái cho người sử dụng. Điểu này trả lời cho câu hỏi vì sao giá trị thanh khoản của xe Trung Quốc thường thấp. Bạn có thể mất một nửa số vốn bỏ ra mua xe chỉ sau một năm sử dụng.

Hẳn nhiều người dùng ô tô vẫn chưa quên, vào giai đoạn 2009-2015 các hãng xe ôtô Trung Quốc “làm mưa làm gió” trên thị trường Việt. Sau khi Hiệp định thương mại ASEAN – Trung Quốc giai đoạn 2015-2018 có hiệu lực, lượng nhập khẩu xe ôtô Trung Quốc tăng vọt lên gấp hai lần so với trước đó. Tuy nhiên, khi chất lượng và độ bền của các dòng xe này không đáp ứng được  kỳ vọng của người dùng thì chỉ qua vài năm, dòng xe giá rẻ như BYD, Cherry, Geely, Lifan, Baic,… dần biến mất trên thị trường Việt.

Quang Hưng (Tuoitrethudo)

Ảnh: Otofun