Chuẩn và nâng chuẩn
Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội định nghĩa “Chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ của nhà giáo giáo dục nghề nghiệp là hệ thống các tiêu chí về năng lực nghề nghiệp tối thiểu mà nhà giáo cần đạt được…”.
Như vậy, chuẩn ở đây chính là năng lực nghề nghiệp cần có của nhà giáo để giảng dạy, ít nhất là cho một môn học, mô đun nào đó. Những năng lực khác, nếu có, mà không phù hợp thì không thể tính vào chuẩn được.
Ví dụ, để dạy môn tiếng Anh cho lớp trung cấp điện, giáo viên phải có bằng cao đẳng tiếng Anh trở lên, chứ không phải cao đẳng điện. Ngược lại, dạy môn kỹ thuật điện thì cần cao đẳng điện, chứ không phải tiếng Anh.
Được đào tạo một nghề mà đi giảng dạy nghề khác rõ ràng không thể giúp hình thành năng lực nghề nghiệp đó ở người học, nên không thể đúng với tiêu chí quy định.
Việc nâng chuẩn nhà giáo là để đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao, càng đa dạng và phức tạp của ngành nghề đào tạo, trong bối cảnh phát triển nhanh chóng và vượt bậc của khoa học, công nghệ cũng như kinh tế – xã hội.
Do đó cần khẳng định rằng nâng chuẩn nhà giáo là xu hướng tất yếu. Chẳng hạn như giáo viên mầm non đã được nâng chuẩn từ sơ cấp lên cao đẳng, giáo viên tiểu học từ trung cấp lên đại học,… Giáo viên dạy lái ô tô cũng không là ngoại lệ, ví dụ như giáo viên lái xe Na Uy phải tốt nghiệp đại học.
Các môn học, nội dung học lái xe ô tô và mã nghề trung cấp phù hợp để giảng dạy.
Giáo viên dạy lái ô tô chỉ cần bằng THPT: Có phải là hạ chuẩn?
Xét theo Danh mục ngành, nghề đào tạo cấp IV trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng hiện hành, còn 2 môn học và 1 nội dung học lý thuyết chưa có ngành, nghề phù hợp từ trung cấp trở lên để giảng dạy. Môn học thực hành lái xe cũng vậy.
Trong khi theo quy định hiện nay, để dạy tất cả các môn lý thuyết, giáo viên phải có bằng trung cấp trở lên về luật hoặc công nghệ ô tô, hoặc có từ 30% kiến thức về ô tô trở lên trong chương trình đào tạo. Để dạy thực hành lái xe là bằng trung cấp của mọi ngành nghề.
Quy định này là không hợp lý, bởi chương trình đào tạo công nghệ ô tô không có gì về luật, nghiệp vụ vận tải hay đạo đức người lái xe. Tương tự với các môn và nội dung lý thuyết còn lại.
Còn mọi chương trình đào tạo từ trung cấp trở lên đều không có nội dung nào về thực hành lái xe và cả kỹ thuật lái xe.
Như vậy, thực ra chỉ có 2 môn học là đúng với yêu cầu của tiêu chí có bằng trung cấp trở lên. Ở các môn, nội dung học còn lại, năng lực có được qua đào tạo của người học thực chất là đến từ bằng tốt nghiệp THPT và giấy phép lái xe của giáo viên. Tức là có nhưng không tác dụng, tác động gì đến chất lượng đào tạo lái xe.
Do đó với giáo viên lái xe, đặc biệt là giáo viên thực hành, xét về thực chất thì quy định từ tốt nghiệp THPT lên trung cấp hoặc từ trung cấp xuống THPT đều không phải là nâng hay hạ chuẩn. Trình độ chuyên môn, nghiệp vụ vẫn không có gì thay đổi.
Cần đầu tư phát triển năng lực nhà giáo
Từ ngày 1-1-2025, thực hiện các quy định của Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, cơ sở đào tạo lái xe sẽ phải đầu tư mỗi năm xấp xỉ 149,92 tỉ đồng, dự kiến thực hiện 3 năm, để mua sắm phương tiện.
Tuy nhiên chưa thấy tính toán nào cho đầu tư phát triển năng lực đội ngũ nhà giáo, trong khi con người mới là vốn quý nhất, ở bất kỳ hệ thống hay tổ chức nào.
Dù trang thiết bị hiện đại, cơ sở vật chất tốt nhưng nhà giáo không đủ năng lực thì hiệu quả và chất lượng đào tạo không thể đảm bảo. Ngược lại, nhà giáo giỏi sẽ khắc phục được hạn chế, khó khăn của trang thiết bị và cơ sở vật chất.
Do đó thay vì quy định phải tốt nghiệp trung cấp một ngành nghề không liên quan, thì nên xem xét xây dựng một lộ trình bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, vừa để nâng cao năng lực giáo viên lái xe vừa hội nhập quốc tế.
Chẳng hạn như các khóa học về lái xe phòng vệ, lái xe sinh thái, tâm lý học giao thông, giao thông thông minh, giao thông xanh, dạy học lấy người học làm trung tâm,.. vốn hoàn toàn không có trong các chương trình đào tạo lái xe cũng như tập huấn giáo viên dạy lái xe của nước ta.