Nhiều nước có quy định hình thức học lái xe bao gồm tự học, học với người thân hoặc bạn bè đã có giấy phép lái xe, học với giáo viên dạy lái xe cá nhân và học tại cơ sở đào tạo.
Giáo viên dạy lái xe cá nhân
Giáo viên dạy lái xe cá nhân (Private Driving Instructor, viết tắt là PDI) là những người được cấp phép để giảng dạy cả lý thuyết và thực hành lái xe, chủ yếu là hạng B, không thuộc về một cơ sở đào tạo nào.
Các PDI hoạt động độc lập hoặc theo nhóm với phương tiện và văn phòng riêng của mình, thường cung cấp dịch vụ đào tạo một kèm một. Nội dung, thời lượng, lịch trình đào tạo được cá nhân hóa theo đặc điểm và nhu cầu của từng người học.
Có thể thấy, PDI tập trung vào cá nhân và linh hoạt hơn, còn cơ sở đào tạo thì bài bản hơn, nhiều trang thiết bị hiện đại hơn và có nhiều sự hỗ trợ hơn.
Do vậy, có PDI bên cạnh cơ sở đào tạo sẽ tạo ra nhiều lựa chọn hơn, phù hợp và thuận lợi hơn cho cá nhân người học, bao gồm cả chi phí. Có những người học không chỉ lựa chọn một nơi, mà học với PDI trước rồi sau đó đến cơ sở đào tạo hoặc ngược lại, vừa để đảm bảo đạt sát hạch vừa nâng cao hơn năng lực lái xe.
Nhược điểm của học với PDI là người học không thể đổi giáo viên khác như ở cơ sở đào tạo mà chỉ có thể chấm dứt hợp đồng.
PDI là phổ biến ở nhiều nước như Anh, Mỹ, Canada, Úc, New Zealand, Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc,… Khi học các hạng cao hơn B, người học bắt buộc phải đến các cơ sở đào tạo.
Hình thức đào tạo lái xe khác
Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, có hiệu lực từ ngày 1-1-2025, đã quy định người học lái xe “phải được đào tạo tại các cơ sở đào tạo lái xe hoặc các hình thức đào tạo lái xe khác” thay cho “phải được đào tạo tập trung tại cơ sở đào tạo” ở Luật Giao thông đường bộ 2008.
Như vậy, chắc chắn rằng chưa có việc tự học lái xe hay học với người thân, bạn bè có giấy phép lái xe ở nước ta trong thời gian tới, mà “phải được đào tạo” bởi giáo viên dạy lái xe.
Còn “các hình thức đào tạo lái xe khác” do Chính phủ quy định chi tiết chưa được ban hành, nên chưa thể biết có hình thức đào tạo tương tự PDI hay không. Tuy nhiên, nếu có thì hoàn toàn thực hiện được và cũng phù hợp với thực tế.
Bởi hiện nay, nhiều giáo viên dạy lái xe đưa xe của mình vào cơ sở đào tạo, và tự chiêu sinh bằng thông tin cá nhân, chứ không phải cơ sở đào tạo. Chỉ cần tìm kiếm trên Internet sẽ thấy rất nhiều “Thầy ABC dạy lái xe” ở khắp các địa phương trên cả nước.
Trong chương trình đào tạo, có khoảng 20-26% thời gian học thực hành, tùy theo hạng giấy phép lái xe, là bài tập lái tổng hợp. Bài này phải tập trên sân tập lái tiêu chuẩn tương tự như sát hạch. Đây là cơ sở vật chất lớn, cá nhân khó lòng đầu tư được.
Giả sử có PDI, phần này có thể giải quyết bằng cách thuê sân tập của cơ sở đào tạo, hoặc của một đơn vị khác tương tự như các cơ sở đào tạo thuê sân sát hạch để luyện tập hiện nay.
Như vậy, hoàn toàn không có vướng mắc gì về cả năng lực giáo viên và tổ chức đào tạo để có giáo viên dạy lái xe cá nhân.
Hội nhập quốc tế
Theo Danh mục nghề nghiệp Việt Nam, do Thủ tướng Chính phủ ban hành năm 2020, giáo viên hướng dẫn lái xe có mã nghề là 5165, thuộc nhóm 516 Nhân viên dịch vụ cá nhân khác – 51 Nhân viên dịch vụ cá nhân – 5 Nhân viên dịch vụ và bán hàng.
Quy định này hoàn toàn tương thích với Phân loại Tiêu chuẩn quốc tế về nghề nghiệp (ISCO-08) năm 2012 về định nghĩa, nhiệm vụ nghề nghiệp, cấp độ kỹ năng và mã nghề của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO). Những nhiệm vụ của nghề bao gồm:
(a) Hướng dẫn học viên lái xe trong điều kiện thực tế, giải thích và chứng minh các hoạt động của hệ thống phanh, ly hợp, lựa chọn bánh, hộp số tự động, tín hiệu và đèn;
(b) Hướng dẫn các quy tắc giao thông;
(c) Hướng dẫn bảo đảm an toàn;
(d) Tư vấn cho học viên khi họ chuẩn bị trải qua kỳ sát hạch lái xe;
(e) Tư vấn và giảng dạy kỹ thuật lái xe tiên tiến cần thiết cho tình huống khẩn cấp;
(f) Minh họa và giải thích các hoạt động xử lý và vận hành cơ học của phương tiện cơ giới cũng như kỹ thuật lái xe bằng sơ đồ bảng đen và thiết bị hỗ trợ nghe nhìn.
Khi đã hội nhập quốc tế về nghề nghiệp thì hội nhập về tổ chức hoạt động nghề nghiệp cũng là việc cần làm. Đặc biệt là khi nó hoàn toàn phù hợp với thực tế và mang lại lợi ích cho cả người học lẫn người dạy.