Theo một báo cáo mới đây của Sở Giao thông vận tải Hà Nội, dân số của thành phố hiện là trên 8 triệu người, chưa bao gồm 1,2 triệu dân vãng lai thường xuyên sinh sống, làm việc và học tập tại thành phố.
Số lượng phương tiện giao thông đường bộ là trên 7,8 triệu phương tiện các loại, chưa kể 1,2 triệu phương tiện từ các tỉnh, thành phố khác tham gia giao thông trên địa bàn.
Tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2019-2023 là trên 10% đối với ô tô và trên 3% đối với xe máy, trong khi tỷ lệ diện tích đất dành cho giao thông đến nay mới đạt khoảng 12,13% dẫn đến hiện tượng quá tải trên các tuyến đường giao thông.
Tốc độ đô thị hóa nhanh chóng này kéo theo tình trạng ùn tắc giao thông, ô nhiễm không khí ở Hà Nội ngày càng nghiêm trọng. TP Hà Nội cho rằng, thành phố đang phát triển nên ùn tắc giao thông là vấn đề hiện hữu.
Mới đây, UBND TP. Hà Nội đã công bố lấy ý kiến đối với dự thảo xây dựng Nghị quyết Quy định tiêu chí, điều kiện, trình tự, thủ tục xác định vùng phát thải thấp trên địa bàn thành phố.
Tại dự thảo này, thành phố đưa ra 5 tiêu chí để xác định vùng phát thải thấp. Một là dựa trên đặc điểm dân cư – kinh tế. Hai là dựa trên mức độ ô nhiễm không khí hiện tại đối với khu vực đang ô nhiễm không khí vì nguồn phát thải giao thông.
Ba là tính khả thi về hạ tầng giao thông và tiếp cận giao thông. Bốn là khu vực đủ điều kiện áp dụng tiêu chuẩn nghiêm ngặt hơn về phát thải của phương tiện giao thông. Cuối cùng là khu vực mà chính quyền và người dân đồng thuận xây dựng vùng phát thải thấp.
Dự kiến việc thí điểm mô hình vùng phát thải thấp, hạn chế phương tiện giao thông gây ô nhiễm sẽ được thực hiện từ năm 2025. Các phương tiện giao thông cơ giới đường bộ theo quy định tại khoản 1 Điều 34 Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ 2024 (trừ ôtô điện, xe máy điện) di chuyển vào vùng phát thải thấp phải tuân thủ theo các tiêu chuẩn khí thải cụ thể, trừ các phương tiện ưu tiên.
Hà Nội cho rằng có nhiều nguồn gây ô nhiễm, trong đó giao thông vận tải đang là nguồn phát thải PM 2.5 lớn nhất, chiếm 50-70%. Để giải quyết việc này, thành phố sẽ phân vùng hạn chế hoạt động của xe máy tiến tới dừng ở các quận vào năm 2030.
Hà Nội cũng sẽ có chính sách thay thế xe máy cũ không đảm bảo an toàn giao thông và xả khí thải; quy định các khu vực cấm ô tô chạy dầu diesel, khu vực hạn chế xe máy, xe tải, taxi; chính sách khuyến khích thay thế xe buýt chạy dầu diesel bằng xe chạy điện.
Bên cạnh đó, thành phố cũng sẽ đưa ra các quy định nhằm khuyến khích thu hút đầu tư đường sắt đô thị, BRT, Mono rail, buýt bằng hình thức hợp tác công tư (PPP).
Thái Sơn (Tuoitrethudo)