Vào tháng 11 này, giới lãnh đạo Hyundai thừa nhận một “sai lầm” rất đáng chú ý. Cụ thể, phó chủ tịch Hyundai Bắc Mỹ Ha Hak-soo chia sẻ với tờ Korea JoonAng Daily rằng khách hàng của hãng tại khu vực trên không thích việc quá nhiều tính năng được tích hợp vào màn cảm ứng.
“Chúng tôi từng thử tích hợp các hệ thống điều khiển lên màn hình giải trí, hay bộ điều khiển riêng trên màn hình giải trí. Người dùng đều không thích”, ông thừa nhận.
Vị lãnh đạo cũng cho biết khi thử lại, họ nhận ra rằng việc cần điều khiển ngay lập tức mà không được (vì phải thao tác qua màn hình) khiến họ khó chịu. Hãng thừa nhận đây là sai lầm, và sẽ quay lại sử dụng nút bấm vật lý sau này.
Việc tích hợp hết chức năng các nút bấm vật lý lên màn cảm ứng giúp thiết kế cabin xe dễ dàng hơn hẳn. Các bề mặt được giải phóng tạo ra bộ khung gọn gàng hơn, đồng thời nhiều không gian có thể được sử dụng cho các trang bị mới hơn.
Tuy vậy, khi đang bận quan sát đường hoặc cần xử lý gấp, khả năng điều khiển chỉ qua thao tác tay mà không cần nhìn ở tốc độ cao quan trọng hơn hẳn. Màn cảm ứng chỉ tiện lợi hơn khi xe đã dừng đỗ mà thôi.
Kể từ ngày Tesla “tiêu chuẩn hóa” táp lô ô tô trên toàn cầu bằng màn hình cảm ứng trung tâm cỡ lớn, nút bấm vật lý điều khiển đã biến mất dần trên ô tô.
Các nhà thiết kế của nhiều thương hiệu, trong đó có Hyundai, chuộng hướng tiếp cận mới vì giao diện táp lô có thể được làm gọn gàng, rành mạch hơn. Tuy nhiên theo như Hyundai nhìn nhận, khách hàng lại có suy nghĩ ngược lại.
Tuy sẽ “quay xe” sử dụng nút bấm vật lý trở lại, Hyundai cho rằng khách hàng sẽ sớm có thiện cảm hơn với màn hình cảm ứng đa năng khi công nghệ tự lái trở nên phổ biến hơn. Khi đó, các công nghệ hỗ trợ tân tiến, thậm chí tự lái 100% sẽ giúp người dùng có thể rảnh tay nhiều hơn.