Khách du lịch mạo hiểm ‘gặp chuyện’ phải trả chi phí cứu hộ?

0
29
Từ trường hợp khách du lịch mạo hiểm lên đỉnh Langbiang rồi đi lạc phải cứu hộ, rất cần có quy định về việc du khách phải trả phí cứu nạn, cứu hộ gây thiệt hại do sự chủ quan.

Làm gì để tránh du khách lạc trên đỉnh Langbiang, lên rồi không xuống được? - Ảnh 1.

Hai du khách bị lạc trên đỉnh Langbiang được tìm thấy – Ảnh: L.A.

Xung quanh vụ việc 2 khách du lịch TP.HCM bị lạc trên đỉnh Langbiang (Lâm Đồng) được giải cứu, bạn đọc Nguyễn Vũ Mộc Thiêng cho rằng cần phải có nội quy rõ ràng, cụ thể, ràng buộc nghĩa vụ và trách nhiệm của du khách lẫn quản lý, mới hạn chế tối đa những trường hợp tương tự.

Nhằm góp thêm góc nhìn, dưới đây là chia sẻ của bạn đọc này ở góc độ người làm du lịch.

10 ngày 2 vụ giải cứu

Như Tuổi Trẻ Online đưa tin, tối 29-9, sau 3 giờ tìm kiếm trong điều kiện mưa to, gió lớn, Đội phòng cháy chữa cháy và cứu hộ cứu nạn tự quản thị trấn Lạc Dương và Khu du lịch Langbiang đã tìm thấy hai du khách ở khu vực rừng già và toàn vực sâu.

Lực lượng cứu hộ đã dìu cả hai lên đến đường mòn để xe chuyên dụng đưa về nơi an toàn.

Đây không phải là lần đầu tiên du khách bị lạc ở đỉnh Langbiang (Lâm Đồng).

Cơ quan chức năng cho biết khu vực rừng già ở Langbiang thỉnh thoảng xảy ra các vụ việc tương tự. Nguyên nhân do du khách bất chấp thời tiết đi vào rừng tham quan và khi đi không thông báo với trực gác tại cổng Khu du lịch Langbiang.

Trước đó, khoảng 18h30 chiều 30-8, Công an huyện Lạc Dương cũng nhận được tin báo việc 5 sinh viên ở TP.HCM đi lạc trên đỉnh núi Langbiang.

Công an huyện Lạc Dương lập tức triển khai lực lượng cùng Đội cứu nạn, cứu hộ tự quản thị trấn Lạc Dương, nhân viên bảo vệ Khu du lịch Langbiang chia ra thành nhiều mũi, đi sâu vào rừng tìm kiếm.

Đến khoảng 21h tối cùng ngày, lực lượng cứu hộ mới tìm thấy 5 sinh viên bị lạc trong rừng sâu, cách vị trí xuất phát khoảng 5km và đưa xuống núi an toàn.

Xâu chuỗi lại một số vụ việc, có thể thấy việc bị lạc ở đỉnh Langbiang không còn cá biệt như ở các vườn quốc gia, khu du lịch đặc thù rừng núi. Đã có trường hợp tử vong và các đội cứu hộ, cứu nạn đã tốn rất nhiều công sức tìm kiếm du khách bị lạc.

Du khách phải trả phí cứu nạn, cứu hộ?

Trả lời câu hỏi này, tôi cho rằng trách nhiệm phải từ hai phía: du khách và cơ quan quản lý.

Sau mỗi vụ việc, có người trách du khách nông nỗi, vì chút tùy hứng, làm khổ bản thân, gây phiền lụy bao người và xem thường mạng sống của mình. Theo tôi, điều đó đúng nhưng chưa đủ.

Muốn chấm dứt việc này, không có cách nào khác ngoài việc du khách phải tự nâng cao ý thức trách nhiệm với bản thân, trách nhiệm với cộng đồng, đặc biệt hết sức cẩn trọng khi mạo hiểm tự đi tham quan, khám phá thiên nhiên.

Bên cạnh đó là vai trò quản lý của các khu du lịch. Như tại đỉnh Langbiang, do đặc thù, có tính chất mạo hiểm, khách đến thường xuyên vào rừng, vượt thác… nên cần có những quy định hết sức chặt chẽ.

Đặc biệt, trong điều kiện mưa bão, thời tiết thất thường, an toàn phải luôn là ưu tiên số 1 trong mọi hoạt động. Làm du lịch càng phải đảm bảo an toàn, trước cả chất lượng dịch vụ.

Chúng ta hoàn toàn có khả năng hạn chế tối đa tình trạng du khách đi lạc, bị tai nạn không chỉ trong các khu du lịch đặc thù mà cả ở những điểm đến khác.

Theo đó, các khu du lịch, điểm đến phải có nội quy rõ ràng, cụ thể, ràng buộc nghĩa vụ và trách nhiệm của du khách lẫn quản lý. Với những điểm đến đặc thù càng không nên cho phép du khách tự đi.

Du khách tự đi hay đi với các công ty lữ hành bắt buộc phải có hướng dẫn viên chuyên nghiệp tại chỗ, tránh những tai nạn chủ quan, không đáng có.

Ngoài ra, cũng cần có quy định về việc du khách phải trả phí cứu nạn, cứu hộ gây thiệt hại bởi tai nạn chủ quan cì làm tốn nhiều công sức, thời gian và cả tiền bạc của người dân hay cơ quan chức năng.

Các khu du lịch, các điểm đến đặc thù cũng phải chịu một phần chi phí trách nhiệm vì để khách tùy tiện, chỉ biết bán vé thu tiền.

Tai nạn khách quan thì khó tránh hơn. Cả du khách lẫn cấp quản lý phải chủ động phòng chống tai nạn. Hiểm họa chỉ xảy ra khi con người lơ là, bất cẩn, xem thường mọi quy luật tự nhiên.

Việc nhỏ, phải làm ngay. Mong lắm thay.

Việt Nam có nên học từ quốc gia hạnh phúc nhất thế giới?

Đi nhiều nơi, tôi rất “nể” cách làm du lịch của Bhutan – quốc gia được xem là hạnh phúc nhất thế giới, tuyệt đối không cho phép khách tự đi du lịch.

Tất cả phải thông qua các công ty du lịch bản địa. Dù đi một mình cũng có xe và hướng dẫn viên riêng, không ghép đoàn.

Cách làm có phần cực đoan, đảm bảo an toàn và quản lý được mọi hoạt động của du khách. Chưa thấy du khách nào bị tai nạn do chủ quan ở Bhutan.