Khung gầm ô tô – “Áo giáp” bảo vệ hành khách

0
30
Ẩn bên dưới vẻ ngoài bóng bẩy của mỗi chiếc xe là khung gầm. Nó được ví như “xương sống” của xe, đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo an toàn, hiệu suất và tuổi thọ của một chiếc xe. Một khung gầm chắc chắn không chỉ giúp xe vận hành êm ái, ổn định mà còn bảo vệ hành khách khi xảy ra va chạm.

Khung gầm là thuật ngữ chuyên ngành mô tả khung hay cấu trúc của một chiếc xe ô tô. Khung gầm ô tô hay còn được biết đến với tên tiếng Anh là Classis hoặc Frame, là xương sống của xe, có nhiệm vụ gánh trọng lượng của xe và phân bổ đều lên các bánh xe.

Khung và gầm có sự liên kết chặt chẽ với nhau tạo nên hình dáng tổng thể của một chiếc xe. Hệ thống khung gầm được làm chủ yếu từ thép hoặc các vật liệu cứng khác trên thị trường như Carbon,… Trên thị trường hiện nay có một số loại khung gầm phổ biến như: khung gầm hình thang, khung gầm liền khối, khung xương sống hay khung hình ống rỗng.

Khung gầm có vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ toàn bộ hoạt động của xe ô tô và có ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu suất vận hành của ô tô. Đây không chỉ là một phần cấu trúc chịu lực mà còn là hệ thống hỗ trợ các bộ phận khác của xe hoạt động một cách hiệu quả. Khung gầm cung cấp sự ổn định và độ chắc chắn, giúp xe duy trì được hiệu suất vận hành tốt trên mọi loại địa hình và trong mọi điều kiện lái xe.

Trong trường hợp xảy ra va chạm, khi mọi hệ thống an toàn chủ động và các công nghệ an toàn hiện đại đã bó tay, hệ thống khung gầm còn trở thành “áo giáp” bảo vệ cho tài xế cũng như toàn bộ hành khách ngồi trong xe.

Theo tài liệu của Bộ môn ôtô và xe chuyên dụng thuộc Đại học Bách khoa Hà Nội, khung ô tô cần phải có cấu tạo sao cho có thể hấp thụ hiệu quả năng lượng va chạm, đồng thời phân tán hiệu quả năng lượng này đến phần xương xe, từ đó hạn chế các biến dạng xuất hiện ở khung cabin.

Theo đó, khi xảy ra va chạm từ chính diện phần đầu ô tô sẽ hấp thụ một phần lực tác động. Phần lực còn lại sẽ phân tán xuống các phần khác của khung xe thông qua nhiều thanh tăng cứng nhằm giảm năng lượng va đập tác dụng theo phương dọc. Do ưu tiên giảm thiểu lực tác động vào khoang hành khách, phần đầu xe sẽ sở hữu cấu tạo sao cho dễ bị phá hủy trong trường hợp xảy ra đâm va chính diện nhằm hấp thu hiệu quả năng lượng.

Với trường hợp đâm va ngang, các thanh tăng cứng sẽ được làm to hơn để phân tán hiệu quả năng lượng va chạm. Các vật liệu hấp thụ va đập cũng được sử dụng ở mặt sau của cửa xe nhằm bảo vệ tối ưu cho hành khách bên trong.

Trên các mẫu xe mới hiện nay, khung gầm ô tô thường là hệ thống khung gầm liền khối (unibody) thay vì khung gầm rời (body on frame). Với cấu trúc unibody, chiếc xe sẽ có khả năng hấp thụ xung lực tốt hơn trong trường hợp xảy ra va chạm, từ đó gia tăng khả năng bảo vệ cho hành khách ngồi bên trong.

Tuy nhiên do khả năng chịu tải kém, kết cấu khung gầm liền khối thường được sử dụng phổ biến trên các mẫu sedan, xe du lịch cỡ nhỏ hay hatchback và MPV. Một số dòng xe SUV lại sử dụng hệ thống khung gầm rời bởi nó cho khả năng off-road tốt hơn, đồng thời mạnh mẽ và bền bỉ hơn.

Dù xe có được trang bị những công nghệ an toàn chủ động như cân bằng điện tử, hệ thống chống lật, cảnh báo va chạm, thì tất cả đều không thể thay thế được độ an toàn về mặt cơ khí, đặc biệt là hệ thống khung gầm của xe. Do đó, người tiêu dùng cũng nên kiểm tra phần khung gầm và hệ thống trục lái trước khi quyết định mua xe.

TT (Tuoitrethudo)