Lộ logo mới của Mazda: Thiết kế đơn giản bất ngờ, che tên gọi dễ nhầm thành hãng mới

0
24
Mazda đã đăng ký bản quyền cho hai logo mới, làm dấy lên nghi vấn về một cuộc “thay áo” cho thương hiệu xe hơi Nhật Bản này.
Lộ logo mới của Mazda: Thiết kế đơn giản bất ngờ, che tên gọi dễ nhầm thành hãng mới- Ảnh 1.

Thông tin về logo mới của Mazda được trang tin Drive phát hiện trong đơn đăng ký bản quyền. Logo mới này là phiên bản đen trắng được thiết kế đơn giản và sắc nét hơn so với logo hình đôi cánh chữ V quen thuộc đang được sử dụng.

Lộ logo mới của Mazda: Thiết kế đơn giản bất ngờ, che tên gọi dễ nhầm thành hãng mới- Ảnh 2.

Logo mới của Mazda (bên dưới) được đăng ký bản quyền. Ảnh: Drive

Logo “đôi cánh chữ V” lần đầu tiên được Mazda giới thiệu vào năm 1997 và đã trải qua ba lần thay đổi trong những năm qua. Bản thiết kế mới cho thấy sự thay đổi lớn khi chữ V này đổi sang dạng 2D thay vì 3D, và cũng không uyển chuyển như trước. Nếu che chữ Mazda, logo mới rất dễ bị nhầm thành thương hiệu khác.

Theo trang web của Mazda, đôi cánh hình chữ V trong logo tượng trưng cho việc theo đuổi “những cải tiến liên tục để thúc đẩy sự tăng trưởng mạnh mẽ, liên tục” cũng như ám chỉ “tư duy linh hoạt, sáng tạo, sức sống và khả năng phục hồi” của thương hiệu này.

Lộ logo mới của Mazda: Thiết kế đơn giản bất ngờ, che tên gọi dễ nhầm thành hãng mới- Ảnh 3.

Logo đang dùng của Mazda là loại 3D. Ảnh: T/H

Bên cạnh logo mới, Mazda cũng đăng ký bản quyền cho một phông chữ mới. Theo đó, tên công ty được viết hoa toàn bộ bằng phông chữ mới, tương tự như phông chữ được sử dụng cho thương hiệu Mazda Foundation và Mazda Driving Academy cũng như xuất hiện trên một số dòng xe như Mazda 3.

Trước đó, từ năm 1975, Mazda đã sử dụng biểu tượng chữ với chữ “m” và “a” viết thường, chữ “d” và “z” viết hoa, trong đó chữ “z” được thiết kế theo kiểu chữ cắt kim loại.

Lộ logo mới của Mazda: Thiết kế đơn giản bất ngờ, che tên gọi dễ nhầm thành hãng mới- Ảnh 4.

Phông chữ MAZDA cũng sẽ được thay đổi nhận diện. Ảnh: Top Gear

Người phát ngôn của Mazda Úc từ chối bình luận về các thương hiệu mới. Vì vậy, hiện chưa rõ liệu công ty có đang tiến hành thay đổi toàn bộ nhận diện thương hiệu hay các logo này sẽ chỉ được sử dụng trong một số bộ phận của công ty, chẳng hạn như phụ tùng thay thế.