Mercedes dự phòng phương án dừng lắp ráp tại Việt Nam

0
15
Liên doanh Đức chưa quyết định tiếp tục lắp ráp xe tại Việt Nam hay thuần nhập khẩu vào 2030 khi thuế nhập xe từ châu Âu về 0%.

Vài ngày gần đây, thông tin về công ty mới thành lập mang tên Công ty TNHH Phân phối Mercedes-Benz Việt Nam, bắt đầu hoạt động từ 3/10, được đăng tải trên các trang thông tin doanh nghiệp. Người đại diện của đơn vị này là ông Gerd Bitterlich, hiện cũng là người đại diện và Tổng giám đốc của Công ty TNHH Mercedes-Benz Việt Nam (MBV) – hãng đang sản xuất, lắp ráp và phân phối xe Mercedes tại Việt Nam.

Hai công ty chỉ khác nhau chữ “phân phối” trong tên. Trong ngành nghề hoạt động của công ty mới không có lĩnh vực sản xuất, lắp ráp, mà thuần là buôn bán thương mại. Thông tin này làm dấy lên những nghi vấn về việc, hãng xe Đức đang chuẩn bị cho việc dừng hoạt động sản xuất, lắp ráp tại Việt Nam sau hơn 30 năm, chuyển hẳn sang nhập khẩu.

Năm 1995, khi đầu tư vào Việt Nam, hãng xe sang Đức được cấp giấy chứng nhận dự án nhà máy tại Gò Vấp, TP HCM cho 30 năm, hết hạn vào 14/4/2025. Muốn gia hạn, công ty phải hoàn thành thủ tục trước 31/8/2024. Trả lời VnExpress hôm 13/11, Mercedes Việt Nam (MBV) cho biết, hồi đầu năm, khi chưa biết kết quả có được gia hạn hay không, Mercedes-Benz AG (Đức) đã mở thêm công ty mới là “phương án dự phòng để có thể nhập khẩu, phân phối xe kịp thời” nếu đề xuất gia hạn hoạt động thêm 5 năm của liên doanh không được chấp thuận.

Tới đầu tháng 10, Chính phủ đồng ý gia hạn thêm 5 năm hoạt động cho liên doanh MBV, kéo dài đến 14/4/2030. Do vậy, MBV tiếp tục vận hành nhà máy lắp ráp các dòng như C-class, E-class, GLC và C 43 AMG ở khu đất hơn 100.000 m2 ở quận Gò Vấp, TP HCM.

  • Mẫu GLC 300 4Matic lắp ráp trong nước tại khuôn viên nhà máy Mercedes Việt Nam ở quận Gò Vấp, TP HCM, tháng 5/2023. Ảnh: Phạm Trung

Đại diện hãng cho biết, dù đã gia hạn 5 năm nhưng khoảng thời gian này là không dài, và hãng đang tiếp tục quá trình đề xuất được hoạt động thêm với các cơ quan hữu trách.

“Mercedes AG và MBV vẫn mong muốn tiếp tục hiện diện tại Việt Nam, kinh doanh bằng hình thức lắp ráp xe lẫn nhập khẩu”, đại diện hãng cho biết.

Theo các chuyên gia trong ngành, nhập khẩu luôn là phương thức dễ thực hiện hơn so với lắp ráp xe bởi không tốn chi phí đầu tư, vận hành nhà máy, đào tạo nhân lực… Ở bối cảnh của Mercedes sau 5 năm nữa, việc chuyển sang nhập khẩu hoàn toàn là điều có thể xảy ra. Trong khi phương án duy trì lắp ráp trong nước sau năm 2030 đòi hỏi hãng Đức cần tìm kiếm mặt bằng mới để xây dựng nhà máy tại Việt Nam. Việc di dời, đầu tư máy móc, thiết bị mới cũng tốn chi phí không nhỏ.

“Làm kinh doanh, hãng thường chọn phương án nào tối ưu chi phí”, ông Phạm Trọng Tín, cựu quản lý cấp cao từng làm việc cho các nhà phân phối xe sang như Mercedes, Land Rover, nói. “Năm 2030, thuế nhập khẩu xe hơi từ các nước châu Âu về 0%, các hãng từ nơi này, đặc biệt xe sang có thể chuyển sang nhập khẩu hoàn toàn, lúc này lợi thế lắp ráp không còn nhiều tác dụng”.

Theo Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EV FTA), từ 1/8/2020, Việt Nam cắt giảm thuế nhập khẩu ôtô, xe máy, linh kiện, phụ tùng trong vòng 10 năm, mỗi năm trung bình khoảng 7% và tiến tới 2030 giảm về 0%. Đây là tín hiệu tích cực đối với các hãng xe châu Âu đang bán xe tại Việt Nam, trong đó có Mercedes.

Thực tế, Mercedes đã có những động thái chuẩn bị cho giai đoạn tăng cường nhập khẩu trong tương lai, vì có thể tăng doanh số. Ví dụ như hãng đưa vào hoạt động Trung tâm kiểm tra và hoàn thiện xe trước khi giao từ tháng 8/2019, tại Khu công nghiệp Long Hậu, tỉnh Long An, gần cảng Hiệp Phước.

Trung tâm này của Mercedes rộng khoảng 25.000 m2, chia làm 4 khu vực: xếp dỡ (5.000 m2), nhà xưởng (1.500 m2), khu vực chuẩn bị và rửa xe (1.000 m2) và khu vực đỗ xe có mái che (17.000 m2) với sức chứa 780 xe, đồng thời có thể mở rộng lên 1.000 xe trong tương lai.

Cũng trong 2022, hãng Đức thành lập trung tâm phân phối phụ tùng rộng 5.200 m2 tại Khu công nghệ cao, TP Thủ Đức, TP HCM. Đây được xem là trạm trung chuyển quy mô lớn về phụ tùng đến các đại lý, phục vụ nhu cầu bảo dưỡng, sửa chữa xe của khách.

Theo ông Trọng Tín, với khách hàng ở mảng xe sang, nhập khẩu là một yếu tố được chuộng hơn so với lắp ráp trong nước. Quản lý bán hàng một showroom Mercedes chính hãng tại Việt Nam cho biết, vẫn chưa rõ định hướng của nhà máy về mô hình kinh doanh sau 5 năm tới. Dải sản phẩm lắp ráp trong nước của Mercedes đang đóng góp doanh số chính cho thương hiệu Đức nhờ mức giá cạnh tranh và thường xuyên nhận được ưu đãi lệ phí trước bạ. Nếu chuyển sang nhập khẩu, những lợi thế này sẽ không còn.

“Càng lên phân khúc cao cấp, khách hàng càng có xu hướng thích xe nhập khẩu”, vị quản lý cho biết. “Xe dạng nhập khẩu cho phép khách chọn cấu hình sản phẩm nhiều option hơn, lựa chọn màu sắc cũng đa dạng hơn so với xe lắp ráp trong nước”.

Theo vị này, hiện nay, xe nhập khẩu đặt hàng 3-6 tháng là có xe về nước. Nhà máy có thể đặt hàng trước một năm để chủ động về nguồn cung. Nếu chọn nhập từ các nước Đông Nam Á như Thái Lan, Malaysia, nguồn hàng cung cấp cho thị trường trong nước không phải là vấn đề lớn. Hiện mẫu S-class của Mercedes bán tại Việt Nam nhập khẩu hoàn toàn từ Thái Lan.

Cùng BMW, Mercedes là hai thương hiệu xe sang có mặt sớm nhất tại Việt Nam. Trong khi đối thủ đồng hương trải qua nhiều thăng trầm, đổi nhà phân phối vài lần, MBV ổn định với đối tác SAMCO từ 1995. Từ 2005-2022, thương hiệu ngôi sao ba cánh là hãng xe sang duy nhất sở hữu nhà máy lắp ráp xe CKD tại Việt Nam.

Cuối 2022, đầu 2023, BMW được Trường Hải nội địa hóa các dòng như Series 3, Series 5, X3 và X5. Lợi thế phổ giá dễ tiếp cận, đa dạng phiên bản lựa chọn nhờ lắp ráp CKD trong nước của Mercedes không còn.

Năm 2023, theo số liệu VnExpress thu thập, tính cả xe mới và xe đăng ký lại, doanh số Mercedes tại Việt Nam đạt 3.416 xe, giảm 57% so với 2022. BMW bám sát phía sau với 2.023 xe, thứ ba là Lexus 1.532 xe.

Thành Nhạn