Nạn đua xe ở Hà Nội vì sao đến nông nỗi này?

0
14
Người dân chỉ đứng chờ đèn đỏ cũng bị quái xế hất tung xuống đường rồi lao xe vào tông chết trong vài giây ngắn ngủi, sao nạn đua xe ở Hà Nội lại đến nông nỗi này?

Cái chết của cô gái 27 tuổi tại ngã tư Trần Hưng Đạo – Bà Triệu (Hà Nội) đêm 2/11 khiến cộng đồng quá đỗi đau xót và phẫn nộ. Khoảnh khắc từ khi cô chờ đèn tín hiệu trong cái yên tĩnh của đêm Hà Nội sắp lập đông cho đến khi tiếng ga xe máy rú lên rồi tử thần xuất hiện trong hình hài 2 quái xế chỉ kéo dài vỏn vẹn vài giây.

Lời xin lỗi và sự hối hận của nữ quái xế 19 tuổi khi tỉnh lại ở bệnh viện hoàn toàn là vô nghĩa. Đêm ấy, trong cơn say tốc độ, cô ta và những thanh thiếu niên trong nhóm đua xe còn chưa kịp chớp mắt thì đã xóa sổ một cuộc đời.

Tại sao mạng người lại bị cướp đi một cách dễ dàng, lãng xẹt đến vậy trong một thành phố yên bình như Hà Nội? Tại sao khi tai nạn này xảy ra, rất nhiều người dân khác ở Thủ đô chia sẻ ở cả trên mạng lẫn đời thực rằng họ đã hơn một lần chết hụt trong gang tấc vì những kẻ đua xe vào lúc đêm khuya?

Nạn đua xe ở Hà Nội vì sao đến nông nỗi này?- Ảnh 1.

Hiện trường vụ quái xế tông xe vào người đi đường khiến nạn nhân tử vong ở Hà Nội.

Đua xe trái phép đã trở thành căn bệnh trầm kha, người tham gia chủ yếu thuộc lứa tuổi “choai choai”. Phân tích, đánh giá các vụ việc, vụ án tội phạm đua xe, cổ vũ đua xe trái phép, mang theo hung khí gây rối trật tự công cộng trong thời gian từ đầu năm 2022 đến tháng 6/2023, Công an Thành phố Hà Nội xác định, hơn 80% người vi phạm dưới 18 tuổi, gần 35% dưới 16 tuổi.

Điều đáng sợ là những người trẻ tuổi càn quấy này đua xe một cách táo tợn, liều lĩnh như không sợ sự trừng phạt, bất cứ sự kiện nào cũng có thể biến thành cái cớ tụ tập thành các đội hung thần đường phố lúc nửa đêm. Nhiều nhóm kín được lập ra trên mạng xã hội để báo cho nhau về vị trí các chốt, trạm kiểm soát của CSGT và kêu gọi tụ tập, cùng đua xe, lạng lách, đánh võng…

Nạn đua xe ở Hà Nội vì sao đến nông nỗi này?- Ảnh 2.

Những nhóm “báo chốt”, “thông chốt” có hàng chục, hàng trăm nghìn thành viên trên mạng xã hội.

Phân tích nguyên nhân khiến thanh thiếu niên trở thành quái xế, nhiều chuyên gia của các ngành Giáo dục và Công an nhận định, đó là do sự buông lỏng quản lý của phụ huynh, do trẻ bị ảnh hưởng bởi lối sống đua đòi cũng như những video giật gân, bạo lực tràn lan trên mạng xã hội, dẫn đến hành vi “phá luật” để chứng tỏ bản thân trong trạng thái bốc đồng, thiếu lý trí, nhất là khi bị bạn xấu xúi giục.

Như nữ quái xế 19, người tông nạn nhân văng ra đường trong tai nạn đau xót tối 2/11, được bố mẹ mua xe máy cho sau lời hứa “chỉ dùng để đi làm”, nửa đêm tự do lái xe ra đường dù không đội mũ bảo hiểm, cũng chưa hề có bằng lái. Cô ta điên cuồng phóng xe trên phố bất chấp đèn đỏ chỉ vì “tò mò, muốn thử cảm giác và xem có gặp người quen hay không” như lời khai với công an. Còn quái xế tông chết nạn nhân dù mới 16 tuổi nhưng đêm hôm dễ dàng lấy xe máy của đi chơi trước sự ngăn cản yếu ớt, kém hiệu quả của người mẹ.

Vâng, chắc chắn các bậc phụ huynh có trách nhiệm rất lớn khi để con mình trở thành hung thần đường phố. Tuy nhiên, để cho nạn đua xe trái phép ở Hà Nội đến nông nỗi này, trách nhiệm lớn nhất phải thuộc về các lực lượng chức năng có nhiệm vụ quản lý, giám sát an toàn giao thông và trật tự xã hội, thực thi pháp luật. Những thông tin được công bố thời gian qua cho thấy các đơn vị đã rất nỗ lực để phát hiện, ngăn chặn, xử lý các vụ đua xe trái phép; nhiều vụ đua xe có quy mô hàng trăm người bị chặn “từ trứng nước”. Thế nhưng, vô số cuộc đua vẫn diễn ra thường xuyên và công khai như sự thách thức lực lượng chức năng.

Vì sao hệ thống quản lý nhà nước chưa phát huy được sức mạnh trong việc chống nạn đua xe trái phép, khi mà năng lực chuyên môn nghiệp vụ cũng như trình độ công nghệ ứng dụng trong việc giám sát đều được đánh giá cao? Tai nạn thảm khốc ở ngã tư Trần Hưng Đạo – Bà Triệu một lần nữa đặt ra yêu cầu khẩn thiết tìm đáp án cho câu hỏi này.

Thảm kịch tối 2/11 ở Hà Nội chỉ là một trong vô vàn tai nạn xảy ra do nạn đua xe trên khắp cả nước. Nạn nhân của các quái xế, đau lòng thay, không chỉ có người đi đường vô tội mà còn có không ít chiến sỹ công an đang làm nhiệm vụ.

Tối 2/4/2020, trong khi truy đuổi nhóm đua xe trái phép và cướp giật, Đại uý Đặng Thanh Tuấn và Trung sỹ Võ Văn Toàn (Công an quận Sơn Trà, Đà Nẵng) hy sinh do va chạm giao thông. Rạng sáng 31/12/2019, Trung úy N.P.T.N. thuộc Công an huyện Hóc Môn, TP.HCM, bị một quái xế tông thiệt mạng khi chặn bắt nhóm đua xe.

Những vụ “ chém 3 người thương vong vì bị phá đám khi cổ vũ đua xe trái phép ”, hay “ nhắc nhở đừng đua xe, 2 cha con bị nhóm quái xế đánh trọng thương ” mà báo chí đăng tải cũng cho thấy sự hung hãn, nguy hiểm tột cùng của loại tội phạm này.

Vì thế, không thể lỏng tay, nương nhẹ đối với loại vi phạm này, đừng đơn giản coi đó chỉ là sự càn quấy của những thiếu niên nông nổi. Việc chống đua xe trái phép phải được coi trọng như nhiệm vụ tấn công tội phạm nguy hiểm vì số sinh mạng bị cướp đi không hề ít.

Xin nhắc lại, cô gái xấu số chấm dứt cuộc đời ở tuổi 27 trên phố đêm Hà Nội vừa qua chỉ là một trong rất nhiều người vô tội chết oan ức vì quái xế mà thôi.