Né đối thủ mạnh, ô tô Trung Quốc tìm cửa ngách, mang "món lạ" vào Việt Nam

0
28
Một số mẫu xe Trung Quốc đã và sắp ra mắt đều không nhắm tới các phân khúc "hot" mà tìm tới nhóm ít cạnh tranh hay tìm kiếm những khách hàng đặc thù.

Có giai đoạn, các mẫu xe Trung Quốc được đưa về Việt Nam đều cạnh tranh thẳng trong phân khúc với các sản phẩm “hot”, nơi có các thương hiệu Nhật Bản hay Hàn Quốc. “Công thức” đối đầu ở đây chủ yếu là giá vừa phải nhưng nhiều trang bị, nhiều công nghệ hơn.

Chiến lược này thực tế đến nay không đủ giúp các mẫu xe Trung Quốc trở thành lựa chọn của số đông. Điển hình như bộ đôi MG ZS và HS, nằm ở phân khúc SUV cỡ B và C, ngay cả khi được giảm giá mạnh, thì độ phổ biến vẫn chưa thể bằng Mitsubishi Xforce hay Mazda CX-5.

Từ những “bài học” đó, một số mẫu xe Trung Quốc tham chiến thị trường Việt trong thời gian gần đây dường như đã thay đổi chiến thuật. Thay vì chen chân vào những phân khúc “hot”, những đơn vị và sản phẩm này có xu hướng tấn công vào thị trường ngách.

Xe Trung Quốc né phân khúc “hot”, tìm sân chơi ít cạnh tranh

Haima quay trở lại Việt Nam vào cuối năm 2023, mở bán 2 sản phẩm là 7X và 7X-E. Trong đó, 7X nằm ở phân khúc MPV cỡ trung, nhóm xe đang chịu nhiều áp lực từ các mẫu MPV cỡ nhỏ nhưng bù lại, phân hạng này ít sự cạnh tranh, chỉ có Hyundai Custin và Toyota Innova Cross.

Haima 7X-E là phiên bản thuần điện của 7X. Xe không có đối thủ trực tiếp tại Việt Nam (Ảnh: Nguyễn Quý An).

Hay như Lynk & Co, thương hiệu này định vị ở phân khúc cao cấp hơn một chút so với xe phổ thông. Một số sản phẩm đã được ra mắt như 01, 05 và 09 đều có giá bán không thấp, cao nhất lên tới 2 tỷ đồng nhưng được phát triển trên nền tảng khung gầm của Volvo, có thể xem là “Volvo giá rẻ”.

Gần đây nhất, hãng giới thiệu mẫu 06. Đây là sản phẩm hiếm hoi của thương hiệu này có giá bán ngang các đối thủ Nhật Bản hay Hàn Quốc: 729 triệu đồng.

Lynk & Co 06 có giá bán không cao như các “người anh em” do xe không sử dụng nền tảng khung gầm của Volvo (Ảnh: Lynk & Co).

Trong tháng 8, thương hiệu GAC đến từ Trung Quốc sẽ ra mắt khách Việt, với 2 sản phẩm đầu tiên là GS8 và M8. Bộ đôi này đều nằm ở thị trường cạnh tranh chưa khốc liệt, gồm SUV hạng E và minivan.

GAC GS8 sẽ đối đầu với các sản phẩm như Hyundai Palisade, Ford Explorer hay Volkswagen Teramont/Teramont X. Nhóm xe này thường không dành cho những người dùng phổ thông, có giá bán lên tới 2 tỷ đồng.

Khi ra mắt Việt Nam, GAC M8 sẽ cạnh tranh với Toyota Alphard và Volkswagen Viloran. Đối tượng khách hàng của những sản phẩm này khá đặc thù, khi tìm kiếm một phương tiện chuyên chở cao cấp.

Thiết kế của GAC M8 gợi nhớ đến “chuyên cơ mặt đất” Toyota Alphard (Ảnh: GAC).

Một minh chứng khác là MG7. Mẫu xe này có thể được ra mắt Việt Nam cuối tháng 8, nằm ở phân khúc sedan hạng D, cạnh tranh với Toyota Camry, Honda Accord hay Mazda6. Đây cũng là nhóm xe khá “kén khách”, chủ yếu do giá bán cao và thị hiếu của người dùng đang tập trung vào các dòng SUV gầm cao.

Ở tháng 7, gần như toàn bộ các sản phẩm thuộc phân khúc sedan hạng D đều xuất hiện trên danh sách 10 xe bán chậm nhất thị trường, chỉ trừ Toyota Camry. Mẫu xe Nhật Bản “hút khách” nhất nhưng cũng chỉ bán được 129 chiếc trong tháng 7.

MG7 đang nhận được nhiều sự quan tâm của khách Việt, có đồn đoán giá xe sẽ khởi điểm trong khoảng 700 triệu đồng, rẻ ngang sedan hạng C như Hyundai Elantra (599-799 triệu đồng) (Ảnh: Đại lý MG).

Có thể chỉ dừng lại ở “món lạ”

Việc tham gia phân khúc ít có sự cạnh tranh giúp các mẫu xe Trung Quốc gia tăng sự nhận diện, có cơ hội lọt vào “mắt xanh” của khách Việt. Tuy nhiên, chiến lược này có phần giống con dao 2 lưỡi, do thị trường “ngách” thường là những phân hạng có giá bán không rẻ.

Giá cao và yếu tố thương hiệu sẽ là rào cản lớn đối với những sản phẩm này, khó thuyết phục được số đông. Khi đó, các mẫu xe Trung Quốc này chỉ có thể xem là “món lạ”, dành cho những khách hàng sẵn sàng gạt bỏ yếu tố thương hiệu để trải nghiệm sản phẩm mới.