Nơi an nghỉ của vua Tự Đức giữa rừng thông xanh đang được trùng tu, ra sao?

0
21
Tỉnh Thừa Thiên Huế chi gần 100 tỉ đồng lấy từ ngân sách để tiến hành trùng tu các công trình bên trong di tích lăng vua Tự Đức.
Toàn cảnh di tích lăng Tự Đức đang được trùng tu từ trên cao - Ảnh: NHẬT LINH

Toàn cảnh di tích lăng Tự Đức đang được trùng tu từ trên cao – Ảnh: NHẬT LINH

Ngày 6-8, Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế cho biết đơn vị đang thực hiện dự án trùng tu, phục hồi di tích lăng vua Tự Đức – Khiêm Lăng.

TIN LIÊN QUAN

  • Nơi thờ tự cha mẹ vua Gia Long sắp được trùng tu hiện ra sao?

Theo thông tin hướng dẫn cho khách du lịch tại lăng, di tích lăng Tự Đức được xây dựng vào năm 1864, tọa lạc tại thôn Thượng Ba, phường Thủy Xuân, TP Huế (tỉnh Thừa Thiên Huế).

Đây là một trong những khu lăng tiêu biểu, điển hình cho lối kiến trúc cảnh quan của kiến trúc truyền thống Huế.

Lăng Tự Đức cũng được đánh giá là nơi có phong cảnh hữu tình và là một trong những lăng mộ đẹp nhất hoàng gia triều Nguyễn.

Nơi an nghỉ của vua Tự Đức ở phía đông Khiêm Lăng, nằm giữa khu rừng thông xanh - Ảnh: NHẬT LINH

Nơi an nghỉ của vua Tự Đức ở phía đông Khiêm Lăng, nằm giữa khu rừng thông xanh – Ảnh: NHẬT LINH

Khu lăng mộ xây dựng từ năm 1864 và sau ba năm thì hoàn thành. Ban đầu lăng được xây dựng như một hành cung, là nơi để vua lui tới nghỉ ngơi, săn bắn nên được gọi là Khiêm Cung. Sau khi vua Tự Đức mất thì nơi này đổi tên thành Khiêm Lăng.

Lăng Tự Đức có diện tích khoảng 12ha, được bao bọc bởi vòng thành xây bằng đá núi dài khoảng 1.500m. Toàn bộ khu lăng có khoảng 50 công trình kiến trúc lớn nhỏ. Nơi an nghỉ của vua Tự Đức nằm ở phía đông khu lăng.

Trung tâm của lăng có hồ Lưu Khiêm với diện tích hơn 1,5ha, đóng vai trò là khu vực cảnh quan chính. Giữa hồ có đảo Tịnh Khiêm – nơi thuở trước được vua Tự Đức cho nuôi nhiều loài chim muông quý hiếm.

Khu vực chính của di tích là khu Tẩm Điện – nơi trước nhà vua và đoàn tùy tùng thường nghỉ lại. Sau khi vua mất, nơi này trở thành nơi thờ phụng vua.

Khu vực Tẩm Điện - nơi đang thực hiện dự án trùng tu, bảo tồn công trình điện Hòa Khiêm, Minh Khiêm đường và Ôn Khiêm đường - Ảnh: NHẬT LINH

Khu vực Tẩm Điện – nơi đang thực hiện dự án trùng tu, bảo tồn công trình điện Hòa Khiêm, Minh Khiêm đường và Ôn Khiêm đường – Ảnh: NHẬT LINH

Đây cũng là nơi thực hiện dự án trùng tu di tích đợt này.

Theo đó, trung tâm sẽ giải điện Hòa Khiêm (nơi thờ tự chính của nhà vua) để phục hồi hệ khung gỗ, hệ mái, ván vách, cửa, liên ba, sàn gỗ và các chi tiết bằng gỗ nhóm II; phục hồi mái lợp ngói âm dương hoàng lưu ly…

Minh Khiêm đường, Ôn Khiêm đường cũng sẽ được tu bổ, phục hồi hệ thống gỗ…

Dự án sẽ được thực hiện từ nay đến năm 2027, với tổng mức đầu tư gần 100 tỉ đồng lấy từ nguồn ngân sách tỉnh Thừa Thiên Huế.

Trùng tu lăng Tự Đức – nơi khởi nguồn của khởi nghĩa “Chày vôi”

Lăng Tự Đức cũng là nơi khởi nguồn một trong những cuộc khởi nghĩa nông dân đặc biệt dưới triều đại nhà Nguyễn – khởi nghĩa “Chày vôi” do anh em Đoàn Hữu Trưng đứng đầu.

Theo cuốn Kể chuyện vua quan nhà Nguyễn (Phạm Khắc Hòe, Nhà xuất bản Thuận Hóa), Đoàn Hữu Trưng là con rể của Tùng Thiện Vương Nguyễn Phúc Miên Thẩm – chú ruột của vua Tự Đức.

Trước cảnh đất nước lầm than, đặc biệt khi vua Tự Đức có ý cầu hòa với quân Pháp xâm lược, Đoàn Hữu Trưng cùng nhiều chí sĩ yêu nước khác đã tụ lại với nhau bàn kế chống lại triều đình.

Biết cảnh người dân xây dựng Khiêm Cung cho vua Tự Đức chịu nhiều khổ cực, nên nhóm khởi nghĩa đã chọn nơi đây là nơi bắt đầu.

Lấy cớ giành lại ngôi báu cho Đinh Đạo – con trai của Nguyễn Phúc Hồng Bảo (anh trai ruột của vua Tự Đức), Đoàn Hữu Trưng cùng lực lượng xây dựng Khiêm Cung dùng chày giã vôi (dụng cụ lao động chính tại đây) nổi dậy, kéo quân vào tận hoàng cung để truy bắt vua Tự Đức.

Quân khởi nghĩa đã tấn công, chiếm được điện Cần Chánh, sắp đánh vào tận điện Càn Thành – nơi vua ngủ nhưng bị lực lượng triều đình chặn lại. Khởi nghĩa sau đó nhanh chóng bị lực lượng quân đội chính quy của triều đình đánh dẹp.

Trước đó vào năm 2005, lăng Tự Đức đã được tỉnh Thừa Thiên Huế phê duyệt kế hoạch trùng tu toàn diện vởi tổng kinh phí khoảng 100 tỉ đồng, trước tình trạng xuống cấp nghiêm trọng của di tích này.

Một số hình ảnh lăng vua Tự Đức đang tiến hành trùng tu:

Cổng vào lăng Tự Đức - Ảnh: NHẬT LINH

Cổng vào lăng Tự Đức – Ảnh: NHẬT LINH

Du khách nước ngoài tham quan lăng Tự Đức - Ảnh: NHẬT LINH

Du khách nước ngoài tham quan lăng Tự Đức – Ảnh: NHẬT LINH

Hồ Lưu Khiêm với hai tòa nhà vọng cảnh là Xung Khiêm Tạ và Dũ Khiêm Tạ - Ảnh: NHẬT LINH

Hồ Lưu Khiêm với hai tòa nhà vọng cảnh là Xung Khiêm Tạ và Dũ Khiêm Tạ – Ảnh: NHẬT LINH

Du khách cho cá ăn ở dưới hồ Lưu Khiêm bên trong lăng Tự Đức - Ảnh: NHẬT LINH

Du khách cho cá ăn ở dưới hồ Lưu Khiêm bên trong lăng Tự Đức – Ảnh: NHẬT LINH

Bên trong khu vực Lương Khiêm điện - nơi thờ tự Hoàng thái hậu Từ Dũ, mẹ vua Tự Đức - Ảnh: NHẬT LINH

Bên trong khu vực Lương Khiêm điện – nơi thờ tự Hoàng thái hậu Từ Dũ, mẹ vua Tự Đức – Ảnh: NHẬT LINH

Sân chầu trước nơi an nghỉ của vua Tự Đức với hai hàng tượng quan văn, quan võ chầu trước sân - Ảnh: NHẬT LINH

Sân chầu trước nơi an nghỉ của vua Tự Đức với hai hàng tượng quan văn, quan võ chầu trước sân – Ảnh: NHẬT LINH

Tấm bia đá khổng lồ ghi công trạng, sự nghiệp của nhà vua - Ảnh: NHẬT LINH

Tấm bia đá khổng lồ ghi công trạng, sự nghiệp của nhà vua – Ảnh: NHẬT LINH

Nơi an nghỉ của vua Tự Đức có núi tựa lưng, trước mặt là hồ bán nguyệt. Khu lăng mộ vua Tự Đức được xem là đỉnh cao của nghệ thuật kiến trúc lăng tẩm thời Nguyễn - Ảnh: NHẬT LINH

Nơi an nghỉ của vua Tự Đức có núi tựa lưng, trước mặt là hồ bán nguyệt. Khu lăng mộ vua Tự Đức được xem là đỉnh cao của nghệ thuật kiến trúc lăng tẩm thời Nguyễn – Ảnh: NHẬT LINH