Từ 1/9, các dòng xe nội địa được Nhà nước hỗ trợ giảm 50% lệ phí trước bạ, áp dụng trong 3 tháng. Điều này gia tăng áp lực cạnh tranh lên các sản phẩm không được lắp ráp trong nước, nhưng các nhà phân phối không vì vậy mà giảm nhập khẩu, thậm chí còn đẩy mạnh.
Theo số liệu được Tổng cục Hải quan công bố, cả nước nhập khẩu 18.405 ô tô nguyên chiếc các loại trong tháng 9, tổng kim ngạch đạt gần 378 triệu USD. So với tháng trước đó, xe nhập khẩu tăng 22,2% về lượng và tăng 26,4% về giá trị.
Nửa đầu tháng 10, lượng xe nhập khẩu cập cảng Việt Nam vẫn duy trì ở mức cao, đạt 9.227 chiếc, giá trị kim ngạch đạt 190,7 triệu USD. Trong đó, ô tô từ 9 chỗ ngồi trở xuống vẫn chiếm số đông, đạt 7.745 xe.
Trong 9 tháng đầu năm 2024, Việt Nam nhập khẩu xe nhiều nhất từ Indonesia (50.890 chiếc), sau đó là Thái Lan (47.580 xe) và Trung Quốc (21.948 chiếc). Trong đó, lượng ô tô có xuất xứ từ đất nước tỷ dân tăng mạnh ở năm 2024, đã vượt qua kết quả của cả năm 2022 (17.333 xe) và 2023 (11.002 chiếc).
Kết quả này đến từ việc các hãng xe Trung Quốc ồ ạt “tham chiến” thị trường ở năm 2024, trong đó có nhiều tên tuổi lớn như BYD hay GAC. Gần đây nhất là Aion, thương hiệu ô tô thuần điện trực thuộc Tập đoàn Ô tô Quảng Châu (GAC Group) với 2 sản phẩm đầu tiên là ES và Y Plus.
Giới chuyên gia nhận định, việc các hãng xe vẫn tích cực nhập khẩu ô tô về Việt Nam trong bối cảnh xe nội địa có ưu đãi trước bạ có 2 nguyên nhân chính. Đầu tiên là chính sách hỗ trợ xe nội địa của Nhà nước sẽ chỉ kéo dài trong 3 tháng đến hết tháng 11.
Thứ 2, thị trường ô tô Việt Nam đã bước vào dịp mua sắm cuối năm và chuẩn bị đến giai đoạn cận Tết Nguyên Đán. Các hãng xe thường chuẩn bị nguồn cung đầy đủ, nhằm đáp ứng nhu cầu đi lên của người dùng.
Nguồn cung dư dả cũng tạo điều kiện cho các hãng xe và đại lý áp dụng ưu đãi cho những sản phẩm nhập khẩu, tăng khả năng cạnh tranh cùng các xe nội địa. Ví dụ như Honda CR-V e:HEV, phiên bản này ở những tháng trước thường xuyên khan hàng, có thời điểm “kèm lạc” nhưng nay đã có ưu đãi tại đại lý.