Ông Biden giáng đòn sốc lên ô tô Trung Quốc: Người "chịu trận" là tỷ phú giàu thứ hai thế giới của Mỹ?

0
29
Bộ Thương mại Mỹ đề xuất cấm nhập khẩu và bán ô tô sử dụng phần mềm và phần cứng của Trung Quốc để kết nối với internet. Lệnh cấm sẽ có hiệu lực đối với các mẫu xe mới từ năm 2027.

Tờ Telegraph (Anh) tuần qua đưa tin, về mặt hình thức, lệnh cấm sử dụng công nghệ Trung Quốc trên các mẫu ô tô mới của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden khi có hiệu lực dường như sẽ là một đòn giáng mạnh vào ngành công nghiệp xe điện đang phát triển mạnh mẽ của Bắc Kinh.

Nhưng trên thực tế, lệnh cấm này sẽ là mối đe dọa lớn nhất đối với Tesla, gã khổng lồ xe điện của Mỹ thuộc sở hữu của tỷ phú Elon Musk – người giàu thứ hai thế giới.

Ông Biden giáng đòn sốc lên ô tô Trung Quốc: Người "chịu trận" là tỷ phú giàu thứ hai thế giới của Mỹ?- Ảnh 1.

Lệnh cấm sẽ là mối đe dọa lớn nhất đối với Tesla – gã khổng lồ xe điện của Mỹ thuộc sở hữu của tỷ phú Elon Musk. Ảnh: Getty

Viễn cảnh đáng sợ với nước Mỹ

Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo hôm 23/9 đã nêu ra viễn cảnh đáng sợ về một đối thủ nước ngoài kiểm soát ô tô của Mỹ từ xa.

“Trong tình huống cực đoan, các đối thủ nước ngoài có thể đóng cửa hoặc kiểm soát tất cả các phương tiện của họ đang hoạt động tại Mỹ cùng một lúc”, bà Raimondo nói.

Bà Raimondo nhận định, những chiếc ô tô hiện đại, được kết nối internet, sở hữu camera, micro, định vị toàn cầu GPS và các công nghệ khác, nằm trong tay “những đối thủ nước ngoài… có thể gây ra rủi ro nghiêm trọng cho cả an ninh quốc gia của chúng ta [Mỹ] và quyền riêng tư của công dân Mỹ”.

Theo Telegraph, lời cảnh báo này đi kèm với lệnh cấm nhập khẩu và bán ô tô sử dụng phần mềm và phần cứng của Trung Quốc để kết nối với internet do Bộ Thương mại Mỹ đề xuất. Lệnh cấm sẽ có hiệu lực đối với các mẫu xe mới từ năm 2027, và các hạn chế tiếp theo là từ năm 2030.

Các vi mạch được sử dụng để nhận và truyền thông tin như dữ liệu vị trí hoặc giao thông, hoặc để sử dụng với công nghệ tự lái sẽ bị cấm. Lệnh cấm được đề xuất cũng có thể bao gồm những mẫu ô tô sử dụng công nghệ Trung Quốc để mở khóa mà không cần chìa.

Lệnh cấm này được đưa ra sau một cuộc điều tra về rủi ro an ninh mạng do phần mềm của Trung Quốc gây ra.

Theo Telegraph, về mặt hình thức, bất kỳ lệnh cấm nào như vậy cũng sẽ là hồi chuông báo tử cho ngành công nghiệp xe điện (EV) Trung Quốc mới chớm nở tại Mỹ. Nhưng trên thực tế, nó có thể không có nhiều tác dụng vì thế hệ xe điện mới của Trung Quốc – phổ biến ở Anh và Châu Âu – hầu như không xuất hiện trên đường phố Mỹ.

Thuế quan gây sốc nhằm vào xe điện Trung Quốc

Telegraph đưa tin, thuế quan được Tổng thống Biden công bố vào tháng 5 đã tăng từ 25% lên mức gây sốc là 100%, làm tăng gấp đôi giá xe hơi Trung Quốc và đẩy chúng ra khỏi thị trường Mỹ.

Canada cũng đã áp dụng thuế quan 100%.

Và lệnh cấm phần mềm mới được đề xuất đang nhắm vào những chiếc xe mà những người tiêu dùng tỉnh táo không hề muốn mua vì giá bán quá cao.

Nhưng các chuyên gia cảnh báo rằng có khả năng Trung Quốc sẽ trả đũa. Bill Russo – người sáng lập kiêm giám đốc điều hành của công ty tư vấn đầu tư Automobility có trụ sở tại Thượng Hải – nói rằng bất kỳ lệnh cấm nào cũng sẽ “có đi có lại” và sẽ tác động đến hoạt động kinh doanh của Mỹ tại Trung Quốc.

Theo các chuyên gia, hiện tại vẫn chưa rõ việc đó sẽ diễn ra như thế nào, nhưng có một mục tiêu rõ ràng: Tesla – nhà sản xuất xe điện lớn thứ hai thế giới của Mỹ, năm ngoái đã bán được hơn 600.000 xe tại Trung Quốc – thị trường lớn thứ hai của hãng.

Trong khi đó, tập đoàn BYD của Trung Quốc là nhà sản xuất xe điện lớn nhất thế giới, nhưng xe của họ thậm chí còn không được bán tại Mỹ.

Ông Biden giáng đòn sốc lên ô tô Trung Quốc: Người "chịu trận" là tỷ phú giàu thứ hai thế giới của Mỹ?- Ảnh 2.

Tập đoàn BYD của Trung Quốc là nhà sản xuất xe điện lớn nhất thế giới, nhưng xe của họ thậm chí còn không được bán tại Mỹ. Ảnh: AFP

Geoffrey Gertz – thành viên cấp cao tại tổ chức tư vấn Trung tâm An ninh Mỹ Mới (CNAS) có trụ sở tại Washington – đã cảnh báo rằng Trung Quốc hiện có thể nhắm vào Tesla.

“Các nhà sản xuất ô tô Mỹ không thấy tác động lớn [đối với lệnh cấm này]”, Gertz cho biết, “Đã có một số biện pháp được thiết lập để ngăn chặn các nhà sản xuất xe điện của Trung Quốc… Thật khó để suy đoán chính xác bất kỳ sự trả đũa nào có thể xảy ra. Tôi không chắc sẽ có điều gì đó nhưng chắc chắn Tesla đã có chỗ đứng ở Trung Quốc.”

Giáo sư Weisong Shi – người điều hành Phòng thí nghiệm nghiên cứu kết nối và tự động (CAR Lab) tại Đại học Delaware (Mỹ) – cho biết: “Do thuế quan, chúng ta [người Mỹ] chưa thấy quá nhiều xe điện Trung Quốc ở đây [nước Mỹ]. Lệnh trừng phạt mới nhất bao gồm phần mềm cho các phương tiện kết nối và tự động trong tương lai; và do đó, chúng ta sẽ không thấy phần mềm do Trung Quốc sản xuất tại thị trường Mỹ.”

“Đây sẽ là một thách thức lớn đối với Trung Quốc. Tôi không biết liệu Trung Quốc có trả đũa hay không, nhưng họ có thể. Nếu bạn nghĩ về những chiếc xe Tesla đang hoạt động tại Trung Quốc, phần mềm mà chúng đang chạy được Tesla sản xuất. Đó có khả năng là chỗ Trung Quốc sẽ nhắm vào”, Shi nói.