Ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước tiếp tục hưởng ưu đãi trước bạ

0
37
Chính phủ sẽ ban hành Nghị định giảm lệ phí trước bạ cho ôtô lắp ráp trong nước trong tháng 6.

Trong phiên họp Quốc hội đầu tháng 6, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà cho biết Chính phủ sẽ sớm ban hành Nghị định giảm lệ phí trước bạ (LPTB) ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước. Hiện chưa rõ thời hạn có hiệu lực của Nghị định này và mức giảm là bao nhiêu %. Ba lần thực hiện trước đó, Chính phủ luôn áp dụng mức giảm 50%.

Đây là năm thứ 4 liên tiếp, ưu đãi LPTB cho ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước được áp dụng. Lần đầu tiên là nửa cuối 2020, sau đó là tháng 12/2021-5/2022. Lần gần nhất là nửa cuối 2023.

Giống như những lần trước, ưu đãi LPTB vẫn chỉ dành cho xe lắp ráp trong nước, còn xe nhập khẩu thì không. Trước đây, mỗi lần ưu đãi LPTB sắp được triển khai, Hiệp hội các nhà nhập khẩu ôtô Việt Nam (VIVA) với các thành viên như Audi, Porsche, Volkswagen, Subaru… thường có văn bản gửi lên Chính phủ, cho rằng ưu đãi chỉ cho xe sản xuất nội địa là phân biệt đối xử với xe nhập. VIVA đồng thời kiến nghị xe nhập cũng cần có chính sách tương tự. Tuy nhiên, mong muốn của VIVA chưa lần nào được chấp thuận.

Đại diện một hãng xe thuộc VIVA nói rằng Hiệp hội hiện chưa có ý kiến gì về chính sách ưu đãi LPTB lần này cho xe lắp ráp trong nước.

Chính sách ưu đãi LPTB hoặc các thuế suất liên quan chỉ áp dụng cho xe sản xuất, lắp ráp nội địa của Việt Nam cũng giống như nhiều quốc gia trong khu vực như Thái Lan, Malaysia. Chính phủ các nước đều cho rằng, ưu đãi ưu tiên cho loại xe này nhằm kích thích sản xuất trong nước, tạo ra thành phẩm, duy trì việc làm, góp phần ổn định kinh tế, xã hội.

Trong bối cảnh thị trường kém sôi động như hiện nay, ưu đãi LPTB được xem là một trợ lực cho thị trường ôtô trong nước. LPTB giảm kéo theo chi phí lăn bánh một mẫu xe giảm, từ đó kích thích nhu cầu mua sắm. Thanh khoản thị trường từ đó tốt hơn, tạo điều kiện để các doanh nghiệp tăng quy mô sản xuất.

Thị trường ôtô Việt Nam đang trải qua gần nửa đầu 2024 khá trầm. Ảnh hưởng của kinh tế vĩ mô, lạm phát tăng cao, tín dụng bị siết chặt, các mảng kinh tế bất động sản, chứng khoán… gặp nhiều khó khăn khiến nhu cầu mua ôtô sụt giảm.

4 tháng đầu 2024, toàn thị trường tiêu thụ 96.935 xe, giảm 14% so với cùng kỳ 2023. Hầu hết các hãng trên thị trường đều giảm doanh số.

Mức giảm 14% của thị trường chưa phải là con số báo động nhưng là chỉ dấu cho thấy sức mua chưa có dấu hiệu phục hồi, bởi 2023 là năm có doanh số thấp nhất trong vòng 5 năm qua (2019-2023). Trong đó, hai năm 2020, 2021 bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19.

“Năm nay khó. Ưu đãi LPTB sẽ giúp thị trường sôi động hơn nhưng để doanh số trở lại mức bình thường như 2022 hay trước đó thì rất khó”, trưởng ban hoạch định chiến lược một hãng xe Nhật thuộc Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA) nói. “Các hãng đang “cắt máu”, tức giảm giá niêm yết chứ không còn là khuyến mại đủ thấy thị trường đang ảm đạm thế nào”.

  • Khách hàng tham khảo một mẫu Sportage tại showroom Kia ở TP HCM. Ảnh: Thành Nhạn

Từ đầu 2024 đến nay, khuyến mãi cho ôtô đang được các hãng và đại lý thường xuyên thực hiện. Thị trường kém nhiệt, cộng với áp lực cạnh tranh khiến nhiều hãng liên tục điều chỉnh giá bán lẻ để thu hút khách hàng hơn.

Kia, Mazda, Hyundai, Mitsubishi, Ford, Toyota… là những hãng đã điều chỉnh giá bán nhiều mẫu xe để phù hợp hơn với thực tế thị trường. Gần đến nửa năm 2024, vẫn còn nhiều hãng như Suzuki, Ford, Mitsubishi, Nissan, Mercedes… còn tồn xe sản xuất 2023, thậm chí là 2022.

“Phần còn lại của năm 2024 chắc chắn sẽ sôi động hơn nhờ ưu đãi LPTB”, trưởng phòng kinh doanh một đại lý ôtô Nhật tại TP HCM nhận định. “Dù là vậy, tôi cho rằng doanh số cả năm, nếu có tăng, cũng không quá 10% so với 2023”.

Theo các chuyên gia trong ngành, ưu đãi LPTB luôn khiến thị trường chững lại ở giai đoạn trước khi áp dụng, sau đó tăng mạnh vào các tháng cuối khi chính sách hỗ trợ này gần hết hiệu lực. Nhiều đại lý bán xe lắp ráp như Toyota, Hyundai, Ford… cho biết không ít khách hàng đang trì hoãn việc mua xe để chờ ưu đãi LPTB được áp dụng. Điều này khiến doanh số tháng 5 có thể giậm chân tại chỗ, thậm chí giảm so với tháng 4.

Khi ưu đãi LPTB cho xe lắp ráp trong nước được áp dụng, các hãng thuần hoặc bán phần lớn xe lắp ráp như VinFast, Hyundai, Kia, Mazda, Peugeot, BMW (thuộc Thaco), Honda… sẽ được lợi nhất. Ngược lại, các hãng thuần hoặc bán phần lớn xe nhập như Suzuki, Mitsubishi, Volkswagen… nhiều khả năng gia tăng khuyến mãi để cạnh tranh.

Ưu đãi LPTB, khuyến mại từ hãng và đại lý, hàng loạt mẫu xe mới ra mắt, triển lãm ôtô Việt Nam (VMS) sắp diễn ra vào tháng 10, nhu cầu mua sắm thường tăng vào cuối năm, tất cả có thể xem là trợ lực giúp thị trường sôi động hơn ở ở phần còn lại 2024. Với riêng khách hàng, những điều này giúp họ có thêm cân nhắc với ôtô tùy vào nhu cầu và khả năng tài chính.

Thành Nhạn