Được thiết kế bởi Jason Castriota, người từng làm việc với các mẫu xe như Ferrari 599, Maserati GranTurismo, Pininfarina Rolls-Royce Hyperion và nhiều dự án đáng chú ý khác, siêu xe nước Mỹ có thể tự hào với hệ số lực cản chỉ 0,279, lớp vỏ bằng sợi carbon chuyên dụng từ ngành hàng không vũ trụ và hệ khung gầm monoque tiên tiến.
Được làm từ sợi carbon, buồng lái của xe cung cấp 2 chỗ ngồi, được ngăn cách bởi 1 bảng điều khiển trung tâm dài, bên cạnh là cụm vô lăng phẳng đỉnh và đáy cực “dị”. Bên cạnh đó, giao diện người – máy (HMI) cung cấp cho người lái nhiều thông tin quan trọng trong khi một màn hình cảm ứng đặt dọc hiển thị hệ thống thông tin giải trí cho phép người dùng truy cập và điểu khiển hệ thống điều hoà không khí, giải trí, áp suất lốp và các chức năng khác. Mặc dù được thiết kế với kiểu dáng cực thấp, SSC vẫn tự tin rằng khoang cabin của Tuatara có thể vừa vặn với người dùng cao tới 1 mét 95, thậm chí cả các tay đua khi đội mũ bảo hiểm.
Chưa hết, các chế độ lái Thể thao và Đường đua còn cho phép người dùng điều chỉnh khoảng sáng gầm và cấu hình hệ thống treo của chiếc siêu xe 1 cách linh hoạt. Trong khi đó, Chế độ Front Lift được trang bị với khả năng nâng mũi xe lên thêm 40 mm, giúp chiếc xe dễ dàng vượt qua các chướng ngại vật nhỏ.
Khối sức mạnh trên SSC Tuatara đến từ động cơ V8 Tăng áp kép 5,9 lít với các trục khuỷu song song (flat-plane crank). Với nhiên liệu xăng E85, “con mãnh thú” này sẽ đạt được công suất 1750 mã lực trong khi nếu sử dụng nhiên liệu 91 octan, công suất sẽ đạt được là 1350 mã. Tại chế độ Track, bước sang số của hệ thống chỉ cần đưới 100 mili giây và phía công ty cũng tự tin tuyên bố tốc độ tối đa đạt ngưỡng 483 km/h. Cuối cùng, chiếc xe được kỳ vọng sẽ phá vỡ kỷ lục tốc độ 490 km/h do Bugatti thiết lập hồi năm ngoái .
Cận cảnh động cơ V8 Twin-Turbo 5,9 lít trên “quái vật” SSC Tuatara
Kiều Hoàng (Tuoitrethudo)
Nguồn: Carscoops