Một nguồn tin của phóng viên báo Dân trí cho biết, VinFast đã giao được khoảng 2.600 xe VF 5 Plus trong tháng 7. Kết quả trên giúp mẫu SUV điện hạng A mang thương hiệu Việt trở thành mẫu xe bán chạy nhất toàn thị trường tháng qua.
Tuy nhiên, sức hút của VinFast VF 5 Plus không đại diện cho phân khúc A-SUV. Các sản phẩm thuần xăng thuộc nhóm xe này đều ghi nhận doanh số sụt giảm, trái ngược với xu thế “ấm” dần lên của thị trường ở tháng 7.
Theo đó, Kia Sonet nằm ở vị trí thứ 2 trong phân khúc SUV hạng A, với kết quả bán hàng tháng 7 đạt 492 xe, giảm 18% so với tháng 6. Kế tiếp là Toyota Raize và Hyundai Venue, với sức bán giảm lần lượt 2,5% và 15%, doanh số tương ứng đạt 393 chiếc và 290 xe.
Khó cạnh tranh khi xe điện cùng cỡ nhiều ưu đãi, trào lưu ô tô giá rẻ nở rộ
Giới chuyên gia nhận định, các mẫu SUV hạng A thuần xăng đang gặp nhiều áp lực cạnh tranh, trong bối cảnh làn sóng xe điện và ô tô giá rẻ nở rộ tại Việt Nam.
Từ 1/7, VinFast áp dụng chính sách miễn phí sạc pin 1-2 năm tại trạm V-Green cho khách mua xe điện. Điều này khiến VF 5 Plus trở nên hấp dẫn hơn trong mắt khách Việt, bên cạnh giá bán lẻ đề xuất vốn đã cạnh tranh so với các mẫu xe xăng cùng cỡ: 548 triệu đồng kèm pin và 458 triệu đồng không kèm pin.
Ngoài VF 5 Plus, VinFast VF 3 cũng đang nhận được sự quan tâm của khách Việt trong thời gian gần đây, dù xe mới được chính thức bàn giao từ 1/8, và lượng đơn đặt hàng lên tới hơn 30.000 chiếc. Mẫu xe điện cỡ nhỏ này đang có giá niêm yết là 240 triệu đồng (không kèm pin) và 322 triệu đồng (có pin).
Kích thước của VF 3 nhỏ hơn đáng kể so với các mẫu SUV hạng A, khi sở hữu chiều dài, chiều rộng và chiều cao lần lượt là 3.190mm, 1.679mm và 1.622mm. Tuy nhiên, mẫu xe này có lợi thế là giá rẻ, yếu tố từng được khách Việt tìm kiếm ở phân khúc A-SUV.
Ngoài VF 3, một mẫu xe điện cỡ nhỏ khác trên thị trường cũng đang tạo chú ý, đó là Wuling Mini EV. Sản phẩm này mới được hãng điều chỉnh giá bán lẻ đề xuất, giảm 48-58 triệu đồng ở 2 phiên bản LV2 (2 bản LV1 đã hết hàng tại nhiều nơi).
Wuling Mini EV được hãng điều chỉnh giá trong bối cảnh kém cạnh tranh, dù mức giá cũ vốn đang thấp nhất thị trường. Yếu tố thương hiệu và trang bị sơ xài khiến mẫu xe này trở nên kém hấp dẫn trong mắt khách Việt, chưa thể trở thành lựa chọn của số đông.
Với giá bán mới, Wuling Mini EV có thể trở thành lựa chọn đáng cân nhắc với những khách hàng có tài chính không dư dả, hoặc quan tâm một mẫu xe cỡ nhỏ chỉ sử dụng trong đô thị. Điều này phần nào gây áp lực lên các mẫu SUV hạng A, do nhóm xe này vốn được phát triển để hướng tới môi trường đô thị.
Áp lực từ các “đàn anh”
Ngoài áp lực từ các mẫu xe điện và ô tô giá rẻ, các dòng xe A-SUV còn phải đối diện với sự cạnh tranh từ những “đàn anh” nằm ở phân hạng B.
Trong bối cảnh thị trường chưa thực sự sôi động, các hãng xe và đại lý liên tục áp dụng khuyến mại lớn, giúp giá bán thực tế của các mẫu SUV hạng B đã về gần với hạng A.
Cuối tháng 7, nhiều đại lý bất ngờ mở bán lô xe Mitsubishi Xforce được sản xuất trong năm 2023 (VIN 2023). Dù dễ mất giá hơn xe VIN 2024 khi bán lại, song người dùng vẫn dành sự quan tâm lớn đối với sản phẩm này, do Xforce đang là mẫu bán chạy nhất phân khúc SUV cỡ B và B+.
Theo đó, lô xe VIN 2023 của Mitsubishi Xforce chủ yếu là bản Premium, có giá niêm yết 680 triệu đồng. Tùy cơ sở, mẫu xe này được giảm 60-80 triệu đồng, giúp giá bán thực tế hạ xuống mức thấp hơn bản cao nhất của Kia Sonet (624 triệu đồng).
Sức hút đến từ các mẫu xe điện cỡ nhỏ và chính sách bán hàng cạnh tranh của các mẫu SUV hạng B khiến SUV cỡ A lâm vào tình cảnh “tiến thoái lưỡng nan”.
Anh Phạm Sơn, một người sinh sống tại Hà Nội đang có dự định mua ô tô chia sẻ: “Tài chính của gia đình sẵn có khoảng 600 triệu đồng. Tầm tiền này dư sức mua SUV hạng A nhưng nếu “săn sale” tốt thì cũng có thể mua được B-SUV.
Nhưng mình đang khá phân vân, liệu rằng nên cố một tí mua SUV hạng B hay đặt mua VinFast VF 3 cho tiết kiệm, bởi nhu cầu của gia đình cũng chỉ đi phố thôi”.