Autopilot là hệ thống hỗ trợ lái xe cấp độ 2 kết hợp các tính năng phổ biến hiện nay như kiểm soát hành trình thích ứng và hỗ trợ giữ làn đường.
Để hệ thống hỗ trợ lái xe Autopilot hoạt động, Tesla lắp camera ở mọi góc của xe điện để theo dõi môi trường xung quanh và đánh giá con đường phía trước.
Để bộ não máy tính bên trong xe đưa ra quyết định kịp thời về cách phản ứng với những thứ như biển báo đường bộ, vạch kẻ đường, Tesla có cả một nhóm các nhà nghiên cứu lập trình Autopilot để phản ứng với các tình huống khác nhau có thể phát sinh trên đường.
Nhiều người sẽ cho rằng những người này đang đào tạo Autopilot tuân thủ luật lệ giao thông. Tuy nhiên, báo cáo từ Business Insider phát hiện ra rằng họ đang dạy ô tô bỏ qua một số quy định nhất định.
Một nhân viên cũ của Tesla cho biết công việc hằng ngày là xem 5-6 giờ video được trích từ camera Tesla Vision gắn trên các mẫu xe, rồi “gắn nhãn” các đối tượng như biển báo đường bộ, đường giao thông và vạch kẻ đường để hệ thống biết chúng là gì.
Đáng chú ý, đôi khi người này được yêu cầu dạy AI bỏ qua các biển báo “Cấm rẽ khi đèn đỏ” (thông thường mọi người được rẽ phải khi đèn đỏ nhằm giải phóng giao thông, song nếu có biển này thì không được phép làm vậy) hoặc “Không được quay đầu xe”. Hay nói một cách chính xác hơn, cơ sở dữ liệu của AI không có những biển báo này, do đó AI sẽ không điều khiển xe tuân thủ nếu gặp.
Dù không được thông báo rõ lý do, nhưng một cựu nhân viên cho rằng Tesla muốn chiếc xe tư duy như con người, chứ không phải như con robot chỉ tuân theo các quy tắc.
“Đó là những điều khiến tôi và đồng nghiệp của tôi cảm thấy không thoải mái. Có lúc họ cũng lắng nghe, nhưng phần lớn phản ứng của họ chỉ là làm việc của mình và nhận lương đi”, cựu nhân viên này tiết lộ.
Business Insider còn phỏng vấn một nhân viên vẫn đang làm ở Tesla, cho biết ban đầu người này tin công ty là cơ hội thăng tiến tuyệt vời. Nhưng giờ thì nơi đây là “địa ngục”.
Không chỉ có những yêu cầu vô lý, các nhân viên còn bị giám sát bởi phần mềm Flide Time nhằm theo dõi các lần gõ phím và “cân đo đong đếm” khoảng thời gian bàn phím không được sử dụng. Họ được nghỉ giải lao 15 phút và thêm 30 phút ăn trưa, nhưng sẽ bị kỷ luật nếu “mất quá nhiều thời gian” giữa các lần gõ bàn phím, hay thời gian dùng toilet hơi lâu.