Theo Omoda & Jaecoo tiết lộ, quyết định gia nhập thị trường Việt Nam vào cuối năm 2024 không phải là ngẫu nhiên, mà là kết quả từ quá trình nghiên cứu dài hạn và chuẩn bị kỹ càng.
Ông Simon Liu, Tổng Giám đốc Omoda & Jaecoo Việt Nam, khẳng định “Việt Nam là một thị trường đầy tiềm năng” và nay thương hiệu “đã sẵn sàng mang đến những sản phẩm đột phá, phù hợp với xu hướng tiêu dùng của người Việt”.
Một lý do quan trọng để Omoda & Jaecoo chọn thời điểm cuối năm 2024 để ra mắt thương hiệu và mẫu xe mới là bởi đây là khoảng thời gian nhu cầu mua sắm tăng cao, và người tiêu dùng chuẩn bị cho Tết Nguyên đán. Do đó, cuối năm thường được xem là “thời điểm vàng” để ra mắt các dòng xe mới. Omoda & Jaecoo cho rằng điều này sẽ giúp thương hiệu “tận dụng tối đa các chiến dịch truyền thông và sự quan tâm của thị trường”.
Trước đó, trong chương trình Trên Ghế, ông Vũ Tấn Công, cựu Tổng thư ký VAMA, đã nhận định rằng để triển khai một dự án sản xuất ô tô dạng CKD tại Việt Nam, ít nhất nhà đầu tư cũng phải làm được 3 việc cơ bản.
Thứ nhất, nhà đầu tư phải nghiên cứu thị trường ô tô Việt Nam, để tìm ra được những kiểu loại xe phù hợp với thị trường.
Thứ hai, nhà đầu tư phải tìm hiểu các chính sách của Chính phủ Việt Nam về sản xuất công nghiệp ô tô.
Thứ ba, nhà đầu tư đó cần đưa ra tiêu chuẩn và tìm kiếm đối tác Việt Nam phù hợp với dự án của mình.
Điều đó cho thấy, khi ấn định được thời điểm ra mắt chính xác, Omoda & Jaecoo về cơ bản đã hoàn thành được 3 bước này và tự tin mang những mẫu xe đầu tiên đến với người tiêu dùng Việt.
Về nghiên cứu thị trường, Omoda & Jaecoo cho thấy sự tập trung vào phân khúc SUV do “đang chiếm ưu thế với hơn 35% tổng doanh số, phản ánh xu hướng tiêu dùng của người Việt ưa chuộng các dòng xe đa dụng, tiện nghi và mạnh mẽ”. Chiếc Omoda C5 nằm trong nhóm SUV cỡ B đang được nhiều người quan tâm nhờ thiết kế đủ đẹp, dáng gầm cao thoáng đãng, tiện nghi đủ dùng và giá cả nằm ở mức số đông chấp nhận được.
Về tìm hiểu chính sách, Omoda & Jaecoo cũng đã xây dựng mạng lưới đại lý và bắt đầu khởi công nhà máy lắp ráp tại Thái Bình. Theo hãng, nhà máy này sẽ giúp tối ưu hóa chi phí sản xuất, nâng cao khả năng cạnh tranh tại Việt Nam và hưởng các ưu đãi thuế quan từ hiệp định thương mại tự do trong khu vực. Điều này cho thấy, nhà máy không chỉ phục vụ nhu cầu của người dùng Việt Nam mà còn hướng tới xuất khẩu sang các nước khác trong khu vực.
Cuối cùng, Omoda & Jaecoo cũng đã tìm được Geleximco. Dù cũng có một số điểm bất lợi như Geleximco chưa có kinh nghiệm sản xuất hay kinh doanh ô tô, song đơn vị này có quan hệ tốt với Chính phủ Việt Nam và quan hệ tốt với chính quyền tỉnh Thái Bình nơi dự kiến đặt nhà máy, và có tình tài chính tốt.