Sau nhiều ngày cấm biển đảm bảo an toàn cho người dân qua lại thị trấn Cát Bà (huyện Cát Hải) trước khi bão số 3 đổ bộ, đến chiều 9-9, TP Hải Phòng mới mở phà trở lại phục vụ người dân.
Do bị mất điện, nước, sóng viễn thông nên thị trấn Cát Bà gần như bị “cô lập”, trên toàn thị trấn này vẫn còn đổ nát, tan hoang sau bão số 3.
Người kinh doanh du lịch ở Cát Bà bị thiệt hại nặng
Có không ít gia đình kinh doanh phòng cho khách du lịch thuê đã bị thiệt hại nặng. Trao đổi với phóng viên, bà Bùi Thị Thu (45 tuổi, chủ bungalow – căn nhà có diện tích nhỏ, gọn và phổ biến tại các khu du lịch, nghỉ dưỡng) cho biết hầu như gia đình nào làm du lịch ở thị trấn cũng bị thiệt hại sau bão.
“Thiệt hại quá lớn, vượt sức tưởng tượng, chưa bao giờ tôi nghĩ có bão khủng khiếp đổ bộ vào Cát Bà như vậy. Gia đình nhà tôi đầu tư khu ăn uống và 21 phòng ngủ cho khách du lịch mới đi vào hoạt động gần 2 năm nay thì qua một trận bão hỏng hết rồi, không biết sắp tới phải phục hồi như thế nào nữa”, bà Thu kể. Theo bà Thu, gia đình bà thiệt hại gần 10 tỉ đồng do bão số 3.
Anh Lê Nguyễn Hoàng (26 tuổi) – nhân viên đầu bếp ở bungalow của bà Thu – nhớ lại: “Mấy anh em chúng tôi đề xuất ở lại chống bão nhưng ai ngờ khi bão tới thật là kinh hoàng. Gió giật mạnh đến mức mà từ tầng ba cũng không thể xuống tầng hai. Thời điểm gió giật mạnh nhất tôi còn nhìn thấy gạch, kính bay trước mặt”.
Cách bungalow này không xa là nhiều khu du lịch khác ở thị trấn Cát Bà cũng bị ảnh hưởng nặng sau bão số 3.
Trong đó có một dự án bất động sản du lịch được đầu tư bài bản hàng ngàn tỉ đồng cũng bị ảnh hưởng, từ hàng dừa đến cảnh quan, biển hiệu… bị gió bão quật nát.
Bên cạnh đó nhiều hộ gia đình kinh doanh nhà hàng ăn uống ở thị trấn Cát Bà cũng bị thiệt hại nặng sau bão số 3.
Ông Bùi Tiến Thượng (57 tuổi, thị trấn Cát Bà) nhớ lại: “Bão xong nhìn ra thị trấn không thể tả nổi, từ cây xanh, mái tôn, tủ lạnh, tủ cấp đông bay cả ra đường.
Gió to lắm, ban đầu mái tôn rồi kính bay ra, sau đó gió chuyển hướng thì bẻ hết cả cây xanh. Cuộc đời tôi chưa từng chứng kiến trận bão nào to như vậy”.
Theo ông Thượng, sau bão số 3, nhiều nhà hàng mới xây dựng đưa vào kinh doanh được vài tháng thiệt hại nhiều nhất.
“Những nhà hàng mới đầu tư xây dựng cũng mất trên dưới 1 tỉ đồng. Con tôi cũng mất khoảng 500 triệu đồng vì gió bão làm hư hại nhà hàng ăn uống. Đối với những gia đình khá giả thì không sao, nhưng người phải vay mượn để đầu tư thì khổ lắm…”, ông Thượng nói.
Chính phủ hỗ trợ khẩn cấp
Ngày 9-9, Phó thủ tướng Hồ Đức Phớc đã ký quyết định số 943 của Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ khẩn cấp khắc phục thiệt hại do cơn bão số 3.
Theo đó, Chính phủ quyết định hỗ trợ 100 tỉ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương năm 2024 cho 5 địa phương để thực hiện khắc phục hậu quả, ổn định đời sống cho người dân sau cơn bão số 3.
100 tỉ đồng được hỗ trợ cho các tỉnh gồm: Nam Định 20 tỉ, Thái Bình 30 tỉ, Hải Dương 20 tỉ, Yên Bái 20 tỉ và Hưng Yên 10 tỉ đồng.