Thị trường ô tô Việt Nam ngày càng rộng cửa đón các thương hiệu ô tô mới trên toàn cầu về. Trong những năm gần đây, có tới cả chục hãng xe mới xuất hiện tại Việt Nam. Do đó, người tiêu dùng hiện nay dễ bước một “ma trận” thương hiệu ô tô khi tìm hiểu, đặc biệt là xe Trung Quốc với số thương hiệu mới đang áp đảo.
Trong số các thương hiệu ô tô mới xuất hiện tại Việt Nam trong khoảng một năm qua, có 7 hãng xe lọt đề cử của Car Choice Awards (CCA) thuộc Better Choice Awards (BCA) năm nay. 6 trong số 7 thương hiệu đến từ Trung Quốc, bao gồm Lynk & Co, BYD, Omoda & Jaecoo, GAC hay Wuling. Chỉ có một thương hiệu “không phải Trung Quốc” là Skoda.
Skoda được đánh giá cao
Mặc dù là thương hiệu duy nhất không đến từ Trung Quốc, Skoda lại nhận được đánh giá cao nhất từ chuyên gia. Ông Vũ Tấn Công – Cựu Tổng Thư ký VAMA, thành viên Hội đồng Thẩm định Chung khảo BCA 2024 – chấm Skoda điểm số cao nhất khi lựa chọn “Thương hiệu xe mới tiêu biểu” cho giải thưởng năm nay.
Theo giải thích của ông Vũ Tấn Công, có 3 lý do chính khiến Skoda xứng đáng trở thành thương hiệu xe tiêu biểu khi so với 6 thương hiệu xe được đề cử còn lại.
Thứ nhất, Skoda là xe công nghệ châu Âu. Hãng xe Skoda đã có tuổi đời 128 năm, lâu nhất trong danh sách 7 thương hiệu được đề cử. Skoda đã có nhiều kinh nghiệm trong ngành công nghiệp ô tô. Hơn nữa, Skoda trực thuộc Volkswagen – tập đoàn ô tô lớn hàng đầu trên thế giới.
Thứ hai, Skoda đang xây dựng nhà máy lắp ráp ô tô tại Việt Nam (công ty VAD – Vietnam Automobile Industry Development – ở Quảng Ninh). Điều này cho thấy Skoda có tầm nhìn chiến lược dài hạn, bền vững tại thị trường Việt Nam.
Thứ ba, cả hai mẫu xe Skoda đang bán tại Việt Nam đều nằm trong top 10 dòng xe ô tô còn bán chạy tại Việt Nam (CUV phân khúc B và C). Hiện nay, các dòng CUV phân khúc B và C đang được nhiều người tiêu dùng lựa chọn. Số lượng sản phẩm xe thuộc các phân khúc này cũng ngày càng trở nên đa dạng.
Tuy nhiên, đó là khi xét trong số 7 thương hiệu ô tô mới được đề cử tại BCA 2024. Nhìn rộng ra toàn thị trường, Skoda vẫn còn nhiều thách thức.
Theo chia sẻ của ông Nguyễn Mạnh Thắng – một trong số thành viên Hội đồng Thẩm định Chung khảo BCA 2024 – trong số Trên Ghế mới nhất, Skoda phải cần có nhiều phương án nếu muốn có “cú hích” tại thị trường Việt Nam. Các phương án đó bao gồm giá bán xe phải hợp lý hơn, hãng cần làm truyền thông tốt hơn và cần nghiên cứu thói quen của người tiêu dùng Việt Nam.
Các thương hiệu xe Trung Quốc khác khó làm nên chuyện?
Ông Vũ Tấn Công không đánh giá quá cao các thương hiệu xe Trung Quốc. Theo ông, cách tiếp cận của xe Trung Quốc tại thị trường Việt Nam còn chưa phù hợp, mặc dù có đa dạng các dòng sản phẩm bán ra thị trường. Sự chưa phù hợp ở đây một phần nằm ở chiến lược bán xe điện trong khi thiếu cơ sở hạ tầng, một phần nằm ở giá bán quá cao, tới trên dưới 1 tỷ đồng. Thậm chí, có mẫu MPV có giá tới khoảng 1,8 tỷ đồng.
Theo nguồn thông tin riêng mà ông Vũ Tấn Công có được, trong số 12.776 xe Trung Quốc vào Việt Nam tháng 8/2024 vừa qua thì doanh số xe bán ra trong tháng đó chỉ là 1.200 xe. MG chiếm thị phần lớn nhất với 913 xe bán ra. Con số hơn 11.500 xe còn lại vẫn nằm trong kho. Điều đó cho thấy khách hàng Việt Nam vẫn chưa mặn mà với thương hiệu xe Trung Quốc.
Chấm điểm số các thương hiệu xe được đề cử tại BCA 2024, ông Vũ Tấn Công xếp Omoda & Jaecoo đứng thứ hai, sau Skoda. Lý do là hai thương hiệu này đang xây dựng nhà máy ở Việt Nam.
Vị trí thứ ba trong danh sách thương hiệu mà ông Vũ Tấn Công chọn ra là Lynk & Co. Điểm mạnh của Lynk & Co là có công ty liên doanh với Tasco – một “ông lớn” trên thị trường ô tô Việt Nam. Thương hiệu con của Geely này cũng đã có kế hoạch có nhà máy lắp ráp ô tô tại Thái Bình.
Vị chuyên gia này xếp BYD, Wuling đồng vị trí thứ 4 về điểm số, trong khi GAC đứng cuối.