Trung Quốc kêu gọi các hãng giữ công nghệ xe điện chủ chốt trong nước, ra nước ngoài chỉ lắp ráp

0
26
Trung Quốc khuyến khích các hãng xe điện xuất khẩu “combo” linh phụ kiện dùng cho lắp ráp, thay vì đặt nhà máy sản xuất ở nước ngoài.
Trung Quốc kêu gọi các hãng giữ công nghệ xe điện chủ chốt trong nước - Ảnh 1.

Công nhân trên dây chuyền sản xuất xe điện hạng sang Zeekr 009 ở Ninh Ba, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc – Ảnh: Bloomberg

Trung Quốc đề nghị các hãng xe không xây dựng nhà máy sản xuất ở nước ngoài

Trong nỗ lực bảo vệ bí quyết công nghiệp xe điện và giảm thiểu rủi ro pháp lý, Trung Quốc đang khuyến khích các nhà sản xuất ô tô trong nước ưu tiên xuất khẩu linh kiện để lắp ráp thay vì đầu tư trực tiếp vào nước ngoài.

Theo đó, các bộ phận chính của xe sẽ được sản xuất trong nước, sau đó được gửi đến các nhà máy ở nước ngoài để hoàn tất công đoạn lắp ráp cuối cùng. Hay nói cách khác, nhà máy của các hãng ở nước ngoài chỉ có tác dụng lắp ráp, không phải sản xuất.

Cụ thể hơn, theo Bloomberg, trong cuộc họp với hơn 12 nhà sản xuất ô tô vào tháng 7, Bộ Thương mại Trung Quốc (MOFCOM) đã yêu cầu các doanh nghiệp không đầu tư vào lĩnh vực ô tô ở Ấn Độ.

Ngoài ra, các hãng xe muốn đầu tư vào Thổ Nhĩ Kỳ phải thông báo trước cho Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin Trung Quốc (MIIT) – cơ quan giám sát ngành công nghiệp xe điện của nước này – cũng như Đại sứ quán Trung Quốc ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Trung Quốc kêu gọi các hãng giữ công nghệ xe điện chủ chốt trong nước - Ảnh 2.

Các nhà chức trách Trung Quốc quan ngại xây nhà máy ở nước ngoài sẽ làm lộ bí mật công nghệ – Ảnh: Economic Times

Hướng dẫn trên được đưa ra trong bối cảnh các hãng xe Trung Quốc như BYD và Chery đang đẩy mạnh kế hoạch xây dựng nhà máy ở nhiều quốc gia như Tây Ban Nha, Thái Lan và Hungary.

Nguyên nhân là các hãng muốn tránh bị đánh thuế cũng như được hưởng ưu đãi từ chính sách phát triển của nước bản địa.

Tuy nhiên, MOFCOM lo ngại rằng việc các hãng xe Trung Quốc mở rộng sản xuất như vậy có thể khiến công nghệ xe điện của nước này bị lộ ra ngoài. Bên cạnh đó, việc đầu tư vào một số quốc gia nhất định cũng có thể tiềm ẩn nhiều rủi ro về chính sách và pháp lý.

Trong cuộc họp, MOFCOM phát biểu rằng những quốc gia mời các hãng xe Trung Quốc xây dựng nhà máy thường là những nước đang ban hành hoặc xem xét các rào cản thương mại đối với xe Trung Quốc.

Tham vọng toàn cầu có bị ảnh hưởng?

Việc MOFCOM yêu cầu sản xuất các bộ phận chính ở trong nước có thể ảnh hưởng đến nỗ lực toàn cầu hóa khi các hãng đang tìm kiếm khách hàng mới để bù lại việc tiêu thụ trong nước đang có xu hướng chậm lại.

Điều này cũng có thể giáng một đòn mạnh vào các quốc gia châu Âu đang chào mời các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc với hy vọng sự hiện diện của họ sẽ mang lại việc làm và thúc đẩy kinh tế địa phương.

Trung Quốc kêu gọi các hãng giữ công nghệ xe điện chủ chốt trong nước - Ảnh 3.

Đề xuất mới có thể ảnh hưởng đến các hãng xe Trung Quốc. Một ví dụ là bằng cách xây nhà máy ở Thổ Nhĩ Kỳ, BYD có thể tiếp cận thị trường EU dễ dàng hơn nhờ nước này có thỏa thuận liên minh hải quan với khối này. Trước đó, vào tháng 6, Thổ Nhĩ Kỳ đã áp thuế 40% đối với xe nhập khẩu từ Trung Quốc – Ảnh: BYD

Chẳng hạn, BYD có kế hoạch xây dựng nhà máy giá trị 1 tỉ USD ở Thổ Nhĩ Kỳ với công suất hằng năm dự kiến là 150.000 xe và tuyển dụng tới 5.000 lao động. Ở Tây Ban Nha, Chery đã hợp tác với một công ty địa phương để mở lại nhà máy cũ của Nissan Motor vốn nằm ở Barcelona.

  • Trung Quốc kêu gọi các hãng giữ công nghệ xe điện chủ chốt trong nước - Ảnh 4.

Ở Brazil, BYD và Great Wall Motor cho biết đặt mục tiêu tăng tỉ lệ linh kiện được sản xuất và cung ứng trong nước trong những năm tới, nhằm đạt được mức 50% sản xuất ở địa phương – điều kiện để xuất sang các nước khác trong khu vực Mỹ-Latinh với mức thuế ưu đãi.

Trong khi đó, do những biến động trong mối quan hệ Trung-Ấn, việc kinh doanh giữa hai nước này không nhiều thuận lợi. SAIC Motor – công ty kiểm soát MG Ấn Độ – đã bị điều tra về các vi phạm tài chính vào năm 2022. Năm ngoái, SAIC đã giảm tỉ lệ sở hữu trong MG Ấn Độ và dự báo tỉ lệ này sẽ giảm xuống còn 38-40% theo thời gian.

Bây giờ, lựa chọn nằm ở các hãng xe. Theo trang InsideEVs đánh giá, lựa chọn không hề dễ dàng. Bởi nếu chỉ lắp ráp ở nước ngoài, họ sẽ không được hưởng chính sách ưu đãi ở nước sở tại. Các nước đều có quy định về tỉ lệ sản xuất địa phương. 

Ngoài ra, họ vẫn phải đáp ứng các tiêu chuẩn ngặt nghèo. Chưa kể đến khả năng bị áp thêm thuế tùy theo biến động trong mối quan hệ giữa các nước.

Phó chủ tịch Điều hành Ủy ban châu Âu, ông Valdis Dombrovskis, từng phát biểu với Financial Times: “Nhà máy lắp ráp hay nhà máy sản xuất? Đó là một sự khác biệt đáng kể”.