Túi khí giả – lỗ hổng chết người của ngành ôtô Mỹ

0
32
Nhiều vụ tai nạn chết người đã xảy ra vì ôtô từng bị thay túi khí nguyên bản bằng đồ giả rồi xe được bán lại mà người mua không biết.

Destiny Byassee có thể đã sống sót trong tai nạn khiến cô thiệt mạng hồi tháng 6/2023 nếu không vì túi khí giả nổ vào mặt.

Người phụ nữ 22 tuổi, mẹ của hai con, không biết rằng thiết bị giả đã được lắp trên chiếc Chevrolet Malibu mà cô mua từ một đại lý xe cũ, theo đơn kiện được gia đình cô nộp lên tòa hồi tháng 5.

Khi bung, túi khí nổi “như một quả lựu đạn” và bắn ra khắp xe những mảnh nhựa và kim loại sắc nhọn, cắt vào cổ Byassee. Khi cứu hộ đến hiện trường, nạn nhân được tìm thấy trong tình trạng không có phản ứng và thở một cách khó nhọc, theo biên bản y tế.

Vấn đề này gây rắc rối với các hãng xe cũng như lực lượng thi hành pháp luật. Tai nạn chết người nêu trên không phải duy nhất, mà là một trong ít nhất 5 tai nạn xảy ra năm 2023 trong đó có người thiệt mạng hoặc bị thương nặng do túi khí giả. Con số cao bất thường trong một thời gian ngắn, theo Hội đồng chống hàng giả trong lĩnh vực ôtô (A2C2) – một nhóm các nhà sản xuất ôtô trong đó có General Motors (GM), Ford, và Volkswagen.

Và đây mới chỉ là những trường hợp được biết đến, theo các chuyên gia. Nhiều vụ việc không được báo cáo vì khó truy tìm dấu vết, và tội phạm ngày càng tinh vi trong việc trốn tránh.

  • Tại Honda Mỹ, một ví dụ được nêu rõ: mô-đun túi khí được cấp phép (bên trái) và mô-đun túi khí làm giả với bên trong là bọt xốp màu. Ảnh: WSJ

Các nhà quản lý liên bang đã hành động thẳng tay thông qua một loạt vụ bắt giữ và kết án từ mùa hè 2023, gồm bản cáo trạng đối với hai người đã bán hàng nghìn túi khí không được cấp phép, với một lượng lớn trong đó được làm từ các linh kiện đã qua sử dụng và đồ giả – những thứ vốn được bán trên mạng với lời quảng cáo là đồ mới.

Các hãng ôtô đã phải cảnh báo các đại lý phải cảnh giác hơn, khi nhiều hàng giả mang logo và dấu hiệu nhận diện gần như không thể phân biệt với các thương hiệu chính hãng. Mazda từng phát hiện ra những môđun giả chứa túi khí và cảm biến trông giống thứ được sản xuất bởi hãng cung ứng Autoliv. Trong trường hợp này, đồ giả có một thứ giúp phân biệt: chữ Autoliv viết sai trên bơm túi khí.

Những gì xảy ra làm khơi lại những lo ngại về tình trạng túi khí giả xâm nhập vào Mỹ và hiện diện trên ôtô, thường là thiết bị thay thế được lắp trên xe sau khi xảy ra tai nạn. Các hãng xe cảnh báo các đại lý cảnh giác về đồ giả mỗi khi có những chiến dịch triệu hồi, ví dụ những đợt triệu hồi phải sửa chữa thường do những đại lý được ủy quyền thực hiện.

Những cảnh báo đưa ra còn xuất phát từ việc các nhà quản lý cân nhắc yêu cầu triệu hồi ước tính 45 triệu xe với nguy cơ tiềm tàng về bơm túi khí của hãng cung ứng ARC có trụ sở ở Tennessee.

Cơ quan an toàn giao thông quốc gia Mỹ (NHTSA) đang xem xét phản hồi từ ARC cũng như các hãng xe về yêu cầu triệu hồi và chưa đưa ra quyết định. ARC từng nói rằng những thử nghiệm hiện trường bao quát cho thấy không có sai sót và túi khí vỡ là trường hợp ít khi xảy ra.

Trong khi túi khí có mục đích cứu sống mạng người – và phần lớn làm việc hiệu quả – thì chúng cũng có thể gây chết người nếu được sản xuất không đúng cách. Một lý do mà thứ được biết đến với tên gọi “bơm túi khí” có chứa hợp chất nổ giúp tạo phản ứng, bơm lượng khí nitơ tạo ra vào túi khiến túi phồng lên và bung ra ngoài.

Những vật liệu này cần được xử lý và lắp ráp đúng cách, nếu không có thể biến quá trình nổ giống như một quả bom nhỏ, khiến những mảnh nhỏ từ môđun bắn ra ngoài.

Khi một túi khí do hãng sản xuất lắp đặt trên xe bung ra trong một tai nạn, thì một túi khí chính hãng và dành riêng cho mẫu xe đó sẽ được lắp thay thế. Các loại túi khí giả mạo thường được lắp bởi các xưởng sửa chữa độc lập. Loại hàng giả này ngày càng tinh vi nhằm qua mắt các nhà quản lý.

Thay vì vận chuyển mô-đun đã sản xuất hoàn chỉnh tới Mỹ, xu hướng hiện nay là chia thiết bị thành những bưu kiện nhỏ để khó bị phát hiện hơn. Các thiết bị sau đó được lắp ráp và bán ra với mức giá rẻ. Một số được bán với giá dao động 100-350 USD. Trong khi đó, một mô-đun túi khí chính hãng có thể lên đến 1.000 USD.

  • Tại Honda Mỹ, một ví dụ được nêu rõ: mô-đun túi khí được cấp phép (bên trái) và mô-đun túi khí làm giả với bên trong là bọt xốp màu. Ảnh: WSJ
  • Mô-đun túi khí hàng giả bên trái, không có tem kiểm tra chất lượng. Ảnh: WSJ

Trong vài năm gần đây, hàng chục nghìn túi khí giả đã bị các lực lượng chức năng thu giữ.

Túi khí là một dạng sản phẩm phổ biến trên thị trường, và linh kiện cần để tạo ra túi khí rất dễ sao chép, trong khi lợi nhuận cao. Những kẻ làm hàng giả có thể đặt hàng một mô-đun túi khí với logo hãng, thường trông còn mới, rồi tìm những phần còn lại từ các bãi phế liệu ôtô. Một cuộc điều tra từng cho thấy, kẻ làm hàng giả kiếm lời 200 USD mỗi túi khí làm ra.

Đầu thập kỷ trước, các nhà quản lý từng cảnh báo các xưởng sửa xe độc lập về việc lắp đồ giả, nói có đến 100 mẫu xe khác nhau có nguy cơ này và thiết bị giả thường có nguồn gốc từ nước ngoài.

Trong vụ bê bối túi khí Takata, các hãng xe từng phát hiện ra một số xe được gọi về sửa chữa có lắp đồ giả, gồm cả một số xe có phần mô-đun trống không.

Cảnh sát ước tính xe của Byassee chạy ở tốc độ khoảng 48 km/h khi bị một xe khác đâm từ phía sau khiến xe cô đâm trúng cột. Phần đầu của chiếc sedan vỡ toác, trong khi phần đuôi xe gần như còn nguyên.

Chiếc Malibu từng thuộc sở hữu của một hãng cho thuê xe rồi được bán đấu giá cho công ty bán xe cũ. Khi đó, một xưởng ở Hollywood đã thay túi khí sau khi xe từng gặp nạn năm 2022. Túi khí thay mới là hàng giả.

Stewart, một người từng làm ở GM với vai trò quản lý bảo vệ thương hiệu, chống hàng giả nói một số sản phẩm nhái trông rất thuyết phục và cần đến sự chuyên nghiệp để phân biệt.

Tại văn phòng của GM, Stewart từng gỡ tung hai túi khí – một thật và một giả. Cả hai trông giống nhau ngoại trừ món đồ giả thiếu một số tem kiểm tra chất lượng, và logo của Chevrolet nhỏ hơn đôi chút so với thật.

Hồi tháng 3, lực lượng chức năng kiểm tra một xưởng sửa xe ở Miami, phát hiện gần 300 túi khí giả, gồm cả một số túi khí không hoạt động. Chủ xưởng bị cáo buộc nhiều tội danh.

Cùng tháng, một thợ cơ khí ôtô đã nghỉ hưu ở Tennessee bị kết tội giao dịch túi khí giả, mua linh kiện từ nơi khác, lắp ráp tại Mỹ rồi bán qua mạng cho các xưởng sửa xe với mỗi túi khí giá 100-725 USD.

Suốt thập kỷ qua, các hãng xe đã nỗ lực vận động giới chức ban hành lệnh cấm mua bán và lắp đặt hàng nhái. Khoảng 30 bang đã áp dụng lệnh cấm.

Các hãng xe cũng thúc giục hệ thống bán hàng trực tuyến dừng việc bán mọi túi khí và những linh kiện liên quan.

Trong khi đó, một trong những thách thức lớn nhất đối với ngành công nghiệp ôtô là làm sao để cảnh báo khách hàng – những người có thể mua phải một chiếc ôtô với túi khí giả.

Mỹ Anh (theo Wall Street Journal)