Ngành công nghiệp ôtô châu Âu, dẫn đầu bởi các nhà sản xuất ôtô Đức, đang gặp khó. Hội nghị thượng đỉnh ôtô do Bộ trưởng Robert Habeck chủ trì diễn ra giữa lúc nhiều lời kêu gọi các biện pháp thúc đẩy nhu cầu xe điện đang giảm sút.
Hiện các thương hiệu ôtô châu Âu đang bán ít xe hơn dự kiến, và các mẫu xe điện mới gặp khó khăn trong việc thu hút khách hàng. Không chỉ Volkswagen, nhà sản xuất ôtô lớn nhất châu lục, đang đối mặt với khả năng đóng cửa nhà máy, mà hãng Renault của Pháp và tập đoàn Stellantis của Italy cũng gặp tình trạng lượng xe sản xuất nhiều hơn xe bán ra.
Khoảng 33% số nhà máy của các hãng ôtô lớn như BMW, Mercedes, Stellantis, Renault và Volkswagen tại châu Âu đang hoạt động dưới công suất. Tại một số nhà máy, chưa đến một nửa số xe theo công suất thiết kế được sản xuất thực tế.
Tình hình đặc biệt nghiêm trọng tại nhà máy Stellantis ở Mirafiori, Italy, nơi xuất xưởng mẫu Fiat 500e thuần điện. Sản lượng tại đây đã giảm hơn 60% trong nửa đầu 2024. Trong khi đó, ngay cả nhà máy của Audi tại Bỉ, nơi sản xuất mẫu Q8 e-tron cao cấp, cũng đối mặt với nguy cơ đóng cửa.
Các vấn đề về doanh số đang làm giảm tinh thần tại nhà máy Renault ở Douai, miền bắc Pháp, và tại Volkswagen ở Dresden, Đức. Các mẫu xe điện được sản xuất ở đây gặp khó trong việc tìm người mua, và các nhà sản xuất đang thua lỗ.
Carsten Brzeski, kinh tế trưởng của ngân hàng ING Hà Lan, thấy rằng ngành công nghiệp ôtô châu Âu “đang trong quá trình chuyển đổi cơ cấu” không chỉ ảnh hưởng đến Volkswagen mà toàn bộ ngành công nghiệp ôtô. “Chúng ta rõ ràng thấy rằng xu hướng toàn cầu hướng tới di chuyển điện nhiều hơn đang dẫn đến sự cạnh tranh gay gắt hơn”, Brzeski nói với DW.
Áp lực đối với các nhà sản xuất ôtô châu Âu đặc biệt nặng nề từ phía Trung Quốc. Dù EU đã áp thuế quan lên xe điện từ Trung Quốc, các nhà sản xuất từ quốc gia này vẫn quyết tâm gây dựng chỗ đứng tại thị trường châu Âu. Để tránh mức thuế cao hơn, những Geely, Chery, Great Wall Motor và BYD thậm chí còn lên kế hoạch sản xuất xe điện tại các nhà máy ở châu Âu.
Carsten Brzeski cho biết ngành công nghiệp ôtô châu Âu hiện đang gặp nhiều vấn đề đồng thời, và nhiều vấn đề đang hội tụ lại như cạnh tranh toàn cầu tăng cường và sự suy giảm sức cạnh tranh của châu Âu.
Hans-Werner Sinn, cựu chủ tịch Viện nghiên cứu kinh tế Ifo (Munich, Đức), bác bỏ những chỉ trích rằng các nhà quản lý của các hãng xe đã thất bại. “Bạn không thể nói rằng ai đó đã ngủ quên trước xu hướng thị trường”, ông nói, thêm rằng “thất bại nằm ở việc không nhận ra chính sách chuyên biệt về xe điện ở Trung Quốc và châu Âu được thực thi nhanh chóng và quyết liệt như thế nào”.
Là một trong những nhà kinh tế nổi tiếng nhất của Đức, Sinn cho rằng các chính sách như Thỏa thuận Xanh của châu Âu, lệnh cấm động cơ đốt trong từ năm 2035 và tiêu chuẩn khí thải ngày càng khắt khe đã làm thay đổi điều kiện thị trường một cách nhanh chóng. Điều này buộc ngành công nghiệp phải chuyển đổi theo hướng mang động cơ chính trị khiến những công ty không thích ứng đủ nhanh bị bỏ lại phía sau. Hơn nữa, vụ bê bối khí thải động cơ dầu của Volkswagen đã đặt toàn ngành công nghiệp vào tình thế phòng thủ.
Sinn cũng nói rằng Trung Quốc, và một phần là nước Pháp, đã coi việc tăng cường sản xuất xe điện là cơ hội để phá vỡ sự thống trị của các nhà sản xuất ôtô Đức về công nghệ động cơ đốt trong. Tuy nhiên, tất cả các nhà sản xuất ôtô ở châu Âu hiện đều coi Trung Quốc là đối thủ chính vì đang hưởng lợi nhiều nhất từ sự chuyển đổi này.
Brzeski đổ lỗi cho “quyết định chính trị lộn xộn” về những vấn đề hiện tại, như những câu hỏi “Động cơ đốt trong sẽ ra sao? Tồn tại hay không? Sẽ được kéo dài hay không? Khi nào hết hạn?” đang gây ra sự mù mờ. Một quyết định đặc biệt “không may”, ông nói thêm, là việc chính phủ Đức đột ngột hủy bỏ trợ cấp xe điện vào cuối năm 2023.
Đối với Brzeski, không còn nghi ngờ gì rằng sự suy giảm của ngành công nghiệp ôtô ở Đức và châu Âu sẽ đe dọa sự thịnh vượng của khu vực. Chỉ riêng ở Đức, ngành ôtô – bao gồm cả các nhà cung cấp và các công ty phụ thuộc vào ngành này – chiếm 7-8% tổng sản phẩm quốc nội hàng năm.
Để bảo tồn ngành công nghiệp ở châu Âu và quan trọng nhất là hàng nghìn công việc được trả lương hậu hĩnh trong ngành, Sinn đề xuất cái gọi là “câu lạc bộ khí hậu” nhằm tạo sân chơi bình đẳng cho tất cả các nhà sản xuất ôtô hoạt động trên thị trường toàn cầu.
Được Thủ tướng Đức Olaf Scholz đưa ra lần đầu tiên, ý tưởng này thuyết phục các quốc gia mà đặc biệt là những nơi có phát thải CO2 lớn như EU, Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil và Mỹ – cắt giảm hỗ trợ và sử dụng nhiên liệu hóa thạch.
Frank Schwope, chuyên gia ngành công nghiệp ôtô tại Đại học Khoa học Ứng dụng cho Doanh nghiệp vừa và nhỏ (FHM) ở Hanover, Đức, tin rằng Volkswagen sẽ có thể vượt qua sự sụt giảm doanh số hiện tại.
“Sự thật là Volkswagen đang tạo ra lợi nhuận rất đáng kể”, ông nói với đài phát thanh NDR của Đức, chỉ ra lợi nhuận hoạt động 25,14 tỷ USD của hãng vào năm 2023 và dự kiến lợi nhuận hoạt động 22,27 tỷ USD năm nay. Theo Schwope, ban lãnh đạo Volkswagen đã tạo ra một kịch bản tận thế nhằm kiềm chế yêu cầu tăng lương hiện nay và thúc đẩy trợ cấp mới cho xe điện từ chính phủ.
Tập đoàn Stellantis thực sự đang giảm tốc độ do khủng hoảng doanh số. Tại nhà máy Mirafiori gần Turin, quá trình sản xuất Fiat 500e sẽ dừng trong một tháng, theo thông báo của hãng.
Hans-Werner Sinn không chắc chắn về khả năng ngành có thể vượt qua khủng hoảng. Volkswagen chỉ là “nạn nhân đầu tiên”, ông nói, thêm rằng “sẽ còn nhiều hơn thế”.
Mỹ Anh