Vụ "quái xế" tông chết cô gái ở Hà Nội: Người mẹ giao xe cho con trai có bị phạt không?

0
13
Việc cho mượn xe máy và người mượn xe gây tai nạn thì người gây tai nạn sẽ chịu trách nhiệm. Tuy nhiên trường hợp người chủ xe cho người khác mượn, sử dụng trái pháp luật thì cũng phải cùng chịu bồi thường thiệt hại.

Ngày 4/11, Công an quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) đã tạm giữ 10 người trong nhóm đua xe tông tử vong cô gái tại ngã tư Trần Hưng Đạo – Bà Triệu, quận Hoàn Kiếm.

Nạn nhân là chị N.H.Q. (sinh năm 1997, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội).

Vụ "quái xế" tông chết cô gái ở Hà Nội: Người mẹ giao xe cho con trai có bị phạt không?- Ảnh 1.

Cảnh sát bảo vệ để khám nghiệm hiện trường

Bà Lưu Thị L. (ở xã Hữu Hòa, Thanh Trì, Hà Nội) là mẹ của N.T.M.K., đây là một trong số thanh thiếu niên đang bị tạm giữ, cho biết bản thân bà hối hận vì đã giao xe cho con trai đi, sau đó đã gây tai nạn.

Theo bà L. tối 2/11, sau khi đi ăn cỗ về bà để chìa khỏa xe máy ở nhà, biết con trai lấy xe đi làm thêm, nhưng bản thân bà L. không thể ngờ con mình gây tai nạn dẫn đến hậu quả nghiêm trọng.

Giao xe cho người khác chạy gây tai nạn thì chủ xe có bị phạt không?

Luật sư Diệp Năng Bình – Trưởng Văn phòng luật sư Tinh Thông Luật (Đoàn luật sư TP HCM) cho biết, theo Điều 601 Bộ luật Dân sự 2015 quy định phương tiện giao thông vận tải, cơ giới trường hợp này là xe máy được xem là nguồn nguy hiểm cao độ.

Về trách nhiệm dân sự

Chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải vận hành, sử dụng, bảo quản, trông giữ, vận chuyển nguồn nguy hiểm cao độ theo đúng quy định của pháp luật.

Chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra; nếu chủ sở hữu đã giao cho người khác chiếm hữu, sử dụng thì người này phải bồi thường, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

Trường hợp chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ có lỗi trong việc để nguồn nguy hiểm cao độ bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì phải liên đới bồi thường thiệt hại.

Như vậy, việc cho mượn xe máy và người mượn xe gây tai nạn thì người gây tai nạn sẽ chịu trách nhiệm. Tuy nhiên trường hợp người chủ xe cho người khác mượn, sử dụng trái pháp luật thì cũng phải cùng chịu bồi thường thiệt hại.

Về trách nhiệm hình sự

Theo Điều 264 Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi bởi khoản 76 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017, quy định người nào giao phương tiện giao thông cho người mà biết rõ người đó không có giấy phép lái xe hoặc không đủ các điều kiện khác theo quy định của pháp luật điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ gây thiệt hại cho người khác thì bị phạt như sau:

– Bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm nếu người gây tai nạn vi phạm một trong các lỗi sau:

+ Làm chết người;

+ Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

+ Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;

+ Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.

– Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

+ Làm chết 02 người;

+ Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;

+ Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.

– Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

+ Làm chết 03 người trở lên;

+ Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;

+ Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.

Như vậy, việc giao xe cho người chưa đủ tuổi điều khiển mà gây tai nạn, người chủ xe có thể bị phạt tiền hoặc phạt tù tùy theo mức độ thiệt hại của sự việc.

Vụ "quái xế" tông chết cô gái ở Hà Nội: Người mẹ giao xe cho con trai có bị phạt không?- Ảnh 2.

Khu vực xảy ra vụ việc

Có được giao xe của mình cho người khác chạy không?

Theo luật sư, Điều 58 Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định về điều kiện của người lái xe tham gia giao thông như sau:

– Người lái xe tham gia giao thông phải đủ độ tuổi, sức khoẻ quy định tại Điều 60 Luật Giao thông đường bộ 2008 và có giấy phép lái xe phù hợp với loại xe được phép điều khiển do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp.

Người tập lái xe ô tô khi tham gia giao thông phải thực hành trên xe tập lái và có giáo viên bảo trợ tay lái.

– Người lái xe khi điều khiển phương tiện phải mang theo các giấy tờ sau:

+ Đăng ký xe;

+ Giấy phép lái xe đối với người điều khiển xe cơ giới quy định tại Điều 59 của Luật này;

+ Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe cơ giới quy định tại Điều 55 của Luật này;

+ Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới.

Như vậy, có thể cho giao xe cho người khác mượn để tham gia giao thông nhưng người mượn xe phải đủ tuổi, sức khỏe, có giấy phép lái xe phù hợp với loại xe được phép điều khiển do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp.

Theo thông tin ban đầu, Công an quận Hoàn Kiếm xác định khoảng 0h15 ngày 3/11, chị N.H.Q. (27 tuổi) lái xe máy dừng chờ đèn đỏ tại ngã tư Trần Hưng Đạo – Bà Triệu. Lúc này một đoàn gồm 25-30 xe đi hướng Trần Hưng Đạo – ga Hà Nội với tốc độ cao.

Trong đó N.H.N. (sinh năm 2005) lái xe Vision màu xám chở theo N.P.A. (sinh năm 2005) đi với tốc độ nhanh, không chú ý quan sát nên đã tông phải chị N.H.Q. làm chị Q. ngã ra đường.

Sau đó N.T.M.K. lái xe chở theo L.Đ.C. (sinh năm 2008) chạy theo đoàn đã tông tiếp vào chị Q..

Cú tông khiến chị Q. chết tại chỗ. Sau tai nạn, nhóm “quái xế” bỏ trốn khỏi hiện trường.