Xe chạy bằng khí nén CNG có thể tiềm ẩn rủi ro cháy nổ

0
24
Khoảng 12h30p trưa ngày 1/10, một vụ tai nạn nghiêm trọng đã xảy ra tại đường Vibhavadi Rangsit, gần thủ đô Bangkok.

Theo đó, chiếc xe bus chở 38 học sinh và 6 giáo viên đang trên đường tới tham quan một triển lãm ở Nonthaburi thì xe bất ngờ bị nổ lốp khiến tài xế mất lái, đâm vào dải phân cách.

Vụ va chạm khiến chiếc xe cọ xát vào rào chắn kim loại, tạo ra tia lửa điện khiến bình khí nén của xe bốc cháy. Ngọn lửa sau đó đã nhanh chóng bao trùm khoang hành khách. Vụ cháy đã khiến 20 học sinh và ba giáo viên thiệt mạng, nhiều người bị thương và trong tình trạng nguy kịch.

Trả lời trước báo giới, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Thái Lan Suriyahe Juangroongruangkit nhận định, CNG là loại nhiên liệu có mức độ rủi ro rất cao. Có thể trong tương lai, những xe sử dụng loại nhiên liệu này sẽ bị cấm lưu thông trên đường phố.

Trên thực tế, những vụ cháy nổ liên quan đến xe chạy loại nhiên liệu nén CNG không hiếm. Vào đầu năm 2024, một chiếc xe Maruti Ciaz bị tai nạn trên cao tốc tại Ấn Độ cũng bốc cháy khiến 5 người thiệt mạng. Tại Mỹ hồi tháng 2 cũng có một chiếc xe tải chạy bằng CNG bốc hỏa khiến 9 người bị thương. 

Khí thiên nhiên nén (CNG – compressed natural gas) là một loại khí nhiên liệu có thành phần chính là khí metan (CH4). CNG được khai thác từ các mỏ khí thiên nhiên hoặc từ khí đồng hành trong các mỏ dầu. Khí thiên nhiên nén CNG thường được nén trong các bình chuyên dụng dưới áp suất cao (từ 200 – 250 bar). 

Loại khí này được sử dụng như nhiên liệu cho các loại xe sử dụng động cơ đốt trong như xe lam, xe bán tải, xe buýt, xe buýt trường học và tàu hỏa.

CNG có một số ưu điểm như: giúp giảm khí thải so với động cơ xăng, dầu và hầu như không sinh ra khói bụi. Những xe sử dụng loại nhiên liệu này thường có hiệu năng vượt trội. Bên cạnh đó, chi phí sử dụng CNG cũng tiết kiệm hơn từ 10% đến 30% so với các loại nhiên liệu khác.

Trên thực tế, các nghiên cứu khoa học đã chứng minh CNG ít có khả năng bắt lửa trên bề mặt nóng, vì có nhiệt độ tự bốc cháy cao (540 độ C) và phạm vi bắt lửa hẹp (5–15%). Có nghĩa rằng nếu nồng độ CNG trong không khí dưới 5% hoặc trên 15%, việc bắt lửa sẽ không xảy ra. Để so sánh, nhiệt độ tự bốc cháy của xăng là 280 độ C, phạm vi bắt lửa là 1,4-7,6%, đối với diesel, nhiệt độ tự bốc cháy là 210 độ C. Chính vì thế, xe sử dụng CNG vẫn có độ an toàn cao trong quá trình vận hành. 

Tuy nhiên, do CNG được chứa trong bình khí nén với áp suất rất cao, nên khi xảy ra va chạm, bình chứa có thể bị vỡ. Khi có thêm tác nhân kích lửa thì rất dễ xảy ra vụ việc như chiếc xe bus ở Thái Lan kia.

Chưa kể, việc sử dụng bình khí không đạt chuẩn hay không được bảo dưỡng thường xuyên cũng có thể tiềm ẩn nguy cơ phát nổ.

Không chỉ thế, tốc độ lây lan khi cháy của khí đốt cũng nhanh hơn rất nhiều so với xăng, dầu. Khí đốt còn có thể gây ngạt nếu rò rỉ ra ngoài môi trường. Đây cũng là những lí do khiến xe dùng nhiên liệu CNG ít được sử dụng dù nó cũng có nhiều ưu điểm.

Hiện nay, số lượng xe sử dụng nhiên liệu CNG chỉ chiếm khoảng 2% trong tổng số 23 triệu xe trên thế giới. Chỉ có một số quốc gia như: Iran, Pakistan, Argentina, Brazil, Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan, Indonesia, Uzbekistan là sử dụng nhiều.

Để không xảy ra sự việc đáng tiếc như ở Thái Lan thì cũng cần có một số lưu ý khi sử dụng xe dùng nhiên liệu CNG.

Thứ nhất, các bộ phận trên ô tô cũng như bình chứa khí CNG phải thường xuyên được bảo dưỡng định kỳ.

Thứ hai, khi nạp khí CNG, tài xế không được nổ máy, chú ý bơm khí đúng quy định, không được bơm quá mức áp suất cho phép. 

Thứ ba, những xe sử dụng nhiên liệu CNG không nên đỗ quá lâu dưới trời nắng gắt, việc này nếu làm thường xuyên có thể khiến khoang chứa bình trữ CNG nóng lên nhanh chóng, làm bình phát nổ.

Cuối cùng, tài xế và hành khách tuyệt đối không được hút thuốc lá bên trong xe, vì tàn thuốc có thể khiến CNG bắt lửa và gây nổ.

TH (Tuoitrethudo)