Xe điện tại thị trường Việt Nam đang dần phát triển nhanh trong những năm qua, khi càng nhiều hãng đã mang đến các mẫu xe đến khách Việt. Tuy nhiên, không phải hãng nào cũng đầu tư hệ thống trạm sạc khi kinh doanh xe điện. Hiện tại, hãng xe nội địa VinFast đang dẫn đầu trong hệ thống trạm sạc, với hơn 3.000 trạm sạc phủ khắp cả nước, không có hãng nào ngoài VinFast xây dựng hạ tầng cơ sở sạc với quy mô lớn như trên.
VinFast hiện độc quyền và không có ý định mở cho các xe khác trong thời gian tới. Với xe điện thương hiệu khác, có thể sạc chậm bằng nguồn điện dân dụng, sạc nhanh tại nhà bằng trụ điện do hãng cung cấp, sạc nhanh ở trụ đặt ở đại lý, hoặc sử dụng dịch vụ sạc của các bên cung cấp độc lập.
Cách tìm trạm sạc
Sử dụng ứng dụng Google Maps để tìm trạm sạc là một trong những cách dễ dàng và nhanh nhất. Hiện phiên bản mới nhất của Google Maps đã có thể hiển thị thông tin chi tiết về trạm sạc trên bản đồ, như loại cổng sạc (CCS, Type 2…), tốc độ sạc, số lượng cổng sạc, thời gian hoạt động.
Để tìm kiếm, chủ xe cần mở ứng dụng, sau đó gõ từ khóa tìm kiếm “trạm sạc” hoặc “charging station”, kết quả sẽ được hiển thị dưới dạng danh sách, từ đây chủ xe có thể chọn địa điểm thích hợp theo nhu cầu cá nhân.
Bên cạnh đó Google Maps cho phép người dùng thêm thông tin cổng sạc của xe điện đang sử dụng, từ đó ứng dụng sẽ gợi ý các trạm sạc có đầu cắm phù hợp với xe, cũng như đưa ra khuyến cáo về những trạm sạc không tương thích. Chỉnh thông tin này bằng cách nhấn vào ảnh hồ sơ ở góc trên bên phải, vào “Settings”, chọn “Electric vehicle settings”, sau đó chọn vào kiểu đầu sạc ở danh sách. Chỉ có thể điều chỉnh tùy chọn này trên ứng dụng di động, không thực hiện được khi mở Google Maps trên trình duyệt máy tính.
Đa số các xe điện hạng sang tại Việt Nam, như Mercedes, Audi, Porsche… đều có trạm sạc nhanh tại các đại lý chính hãng ở thành phố lớn, nhưng số lượng trạm cũng như trụ sạc vẫn còn ít. Các hãng đều đưa ra lộ trình xây dựng thêm trạm sạc trong tương lai.
Ngoài ra, một số hãng cho phép các xe thương hiệu khác sử dụng chung trụ sạc, như trụ sạc nhanh của Porsche tại Hồ Tràm dùng chuẩn CCS2, các hãng như VinFast, Audi, Mercedes, BMW có thể dùng chung, nhưng phải trả phí đỗ và sạc.
Đối với xe điện VinFast, ngoài Google Maps, chủ xe có thể tìm trạm sạc qua hệ thống bản đồ trên màn hình thông tin giải trí bên trong xe, ứng dụng VinFast trên smartphone, hoặc tham khảo danh sách các điểm sạc trên website của nhà sản xuất.
Số lượng trạm sạc của các bên thứ ba tại Việt Nam
Hiện tại, các trạm sạc được cung cấp bởi bên thứ ba có thể sử dụng để sạc bất kỳ loại xe điện nào tại Việt Nam nếu cổng sạc tương thích với trụ sạc, nhưng số lượng trạm sạc như thế này rất ít ỏi. Các số liệu về trạm sạc dưới đây được đăng tải trên website, ứng dụng chính thức của của công ty.
Evercharge có 19 điểm sạc, gồm 8 điểm ở miền Bắc, 5 điểm ở miền Trung, 6 điểm ở miền Nam. Có 1-2 trụ sạc tại mỗi điểm, một số nơi được trang bị 5-10 trụ. Chỉ có một số ít là được trang bị sạc nhanh DC.
EV One có 24 điểm sạc, bao gồm 3 điểm ở miền Bắc, 5 điểm ở miền Trung, 16 điểm ở miền Nam. Trong đó, các đại lý hãng xe Audi ở bắc và Nam đều trang bị sạc nhanh DC của hãng này.
Charge+ có đặt trạm sạc nhanh DC 350 kW tại đại lý Porsche ở TP HCM và Hà Nội. Dự kiến trong thời gian tới sẽ cùng Porsche triển khai thêm 17 điểm sạc DC trải dài trên 1.700 km tại Việt Nam.
Ngoài ra, có nhiều garage, sân đỗ, nhà hàng, khách sạn cũng tự đầu tư trạm sạc để tăng sự tiện lợi cho khách hàng, hoặc có nơi cắm điện sẵn để sạc xe, sử dụng sạc chậm bằng dây cắm đi kèm xe. Do đó, trước mỗi chuyến hành trình, chủ xe nên liên hệ trước nơi đến để biết rõ thêm về tính khả thi của việc sạc xe điện.
Như vậy có thể thấy hệ thống trạm sạc của bên thứ ba tại Việt Nam hiện tại không nhiều, do đó khiến các chủ xe phải sạc ở nhà, vốn có tốc độ không cao, hoặc phải tìm hiểu kỹ về các điểm có thể sạc ở trên hành trình dài.
Hiện tại, theo thống kê từ Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng (Bộ KH & CN), Việt Nam đang có 13.500 tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia (TCVN). Thế nhưng, tính tại thời điểm năm 2021, chỉ có có 39 tiêu chuẩn quốc gia áp dụng riêng cho xe điện và tập trung vào các bộ phận chính của xe như: pin, ắc quy, động cơ…
Các quy chuẩn, yêu cầu về kỹ thuật, hệ thống an toàn đối với hệ thống trạm sạc tại Việt Nam vẫn còn trong quá trình phát triển, xây dựng, do đó việc xây dựng hoặc triển khai trạm sạc bởi bên thứ 3 không phải là điều dễ dàng, nhanh chóng. Theo Tổng cục Tiêu chuẩn chất lượng, số lượng tiêu chuẩn đang áp dụng cho phương tiện cơ giới đường bộ và trạm sạc xe điện là 277, trong đó ôtô là 140, xe máy là 100, xe đạp là 18, trạm sạc và thiết bị liên quan là 19.
Hồ Tân