Đi đầu về công nghệ nhưng vì sao thị trường ô tô Mỹ không "cuồng" xe điện?

0
29
Ở Mỹ, xe điện không thể hiện được những lợi ích rõ rệt so với xe xăng truyền thống.

Nhận thức toàn cầu về các vấn đề môi trường và vai trò của con người trong những thay đổi ngày càng tăng. Xe điện không phải là giải pháp cho tất cả các vấn đề ô nhiễm do ô tô đốt trong gây ra, nhưng chúng có thể giúp giảm lượng khí thải từ việc di chuyển ở thành thị và nông thôn.

Giống như hầu hết mọi thứ, công nghệ xe điện có cả ưu điểm và nhược điểm. Nhưng thế giới đang chuyển dịch theo hướng đó, một số nơi nhanh hơn những nơi khác. 

Mỹ là một trong những nền kinh tế lớn mà ngành công nghiệp ô tô là động lực tăng trưởng chính. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng của xe điện ở thị trường này chậm hơn so với các khu vực khác, nên xe điện chỉ chiếm một phần nhỏ trong ngành ô tô – 7,6%.

Theo J.D.Power, trong năm 2023, xe thuần điện chiếm 11,1% và xe hybrid cắm sạc (PHEV) chiếm 4,7% tổng doanh số ô tô toàn cầu. Dẫn đầu thế giới về thị phần xe điện là Na Uy, với xe thuần điện chiếm 72%, PHEV chiếm 7%. Tỷ lệ tương ứng ở Trung Quốc là 33,9%, ở châu Âu là 21,4% và ở Mỹ là 9,4%.

Thực tế là thị trường xe điện ở Mỹ vẫn đang tăng trưởng. Trong năm 2023, tổng tiêu thụ xe điện tại Mỹ thậm chí lập kỷ lục, lần đầu tiên vượt mức 1 triệu chiếc, nhưng thấp hơn nhiều so với con số dự báo. Cụ thể, tiêu thụ xe điện tại Mỹ trong năm 2023 đạt gần 1,2 triệu chiếc, theo Cox Automotive, trong khi mức dự báo là khoảng 1,5 triệu chiếc.

Việc doanh số xe điện tại Mỹ không tăng mạnh như kỳ vọng được cho là xuất phát từ 4 lý do chính. 

Xe lớn, đường lớn, cơ sở hạ tầng lớn

SUV và xe bán tải đã ra đời ở Mỹ. Nhu cầu có không gian chở hàng và cabin lớn hơn để di chuyển qua các vùng nông thôn rộng lớn đã khiến người Mỹ rất chuộng các loại xe này. Người Mỹ thích mọi thứ to lớn, và điều đó đúng với cả công suất động cơ.

Sở hữu một chiếc xe to lớn có công suất cao không hẳn là để đi nhanh hơn, mà chỉ đơn giản là có thể đi được quãng đường dài mà không phải lo lắng gì. 

Mỹ là nước có nhiều xe to nhất thế giới (Ảnh minh họa: Car and Driver).

Nhìn vào các con số, có thể thấy trọng lượng trung bình của một chiếc SUV ở Mỹ là 2.254kg vào năm 2023. Xe bán tải thậm chí còn nặng hơn, trung bình 2.649kg. Cần rất nhiều nhiên liệu để vận hành những chiếc xe như vậy.

Tuy nhiên, nguồn năng lượng dồi dào sẵn có ở Mỹ cho phép người tiêu dùng đi lại mà không cần lo lắng về việc đổ xăng. Nền kinh tế Mỹ phụ thuộc nhiều vào ngành dầu mỏ. Đó là lý do xe cơ bắp, xe thể thao, xe bán tải và SUV nở rộ ở Mỹ hơn bất kỳ nơi nào khác trên thế giới. 

Để thuyết phục người tiêu dùng Mỹ chuyển sang dùng xe điện, trước tiên các nhà sản xuất phải tập trung vào loại xe mà người Mỹ ưa chuộng. Điều đó đồng nghĩa với việc họ phải sản xuất những chiếc SUV và bán tải chạy điện.

Nhưng xe điện cỡ lớn cần cụm pin lớn, tức là sẽ tăng áp lực đối với hoạt động khai khoáng, giảm ý nghĩa bảo vệ môi trường. Thêm vào đó, cụm pin lớn hơn sẽ khiến xe nặng hơn, nguy hiểm hơn, và đắt hơn.

Cần có thời gian để chuyển từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng điện, cả về mặt vật lý, do quy mô rộng lớn của nước Mỹ, và về mặt văn hóa. Việc lắp đặt cơ sở hạ tầng sạc đáng tin cậy ở tất cả các khu vực sẽ cần sự nỗ lực kéo dài nhiều năm. Để thuyết phục được người tiêu dùng chuyển từ động cơ lớn sang động cơ điện nhỏ hơn có thể mất nhiều thời gian hơn. 

Giá nhiên liệu

Trong năm 2023, Mỹ ghi nhận năm thứ 6 liên tiếp khai thác nhiều dầu thô nhất thế giới, với sản lượng trung bình đạt 12,9 triệu thùng mỗi ngày, so với mức 12,3 triệu thùng/ngày của năm 2019, theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA).

EIA dự báo sản lượng dầu thô của Mỹ sẽ tăng lên 13,21 triệu thùng/ngày trong năm nay và đạt mức 13,49 triệu thùng/ngày vào năm 2025.

Giá xe điện đắt hơn xe xăng trong khi chi phí xăng dầu không phải là áp lực lớn đối với người dân Mỹ khiến nhu cầu chuyển sang dùng xe điện không cao (Ảnh minh họa: Getty Images).

Việc Mỹ có nguồn năng lượng dồi dào tác động trực tiếp, và thuận lợi, đến giá nhiên liệu trên cả nước. Chi phí xăng dầu ở Mỹ vẫn thấp hơn nhiều so với các khu vực có chính phủ khuyến khích giảm sử dụng xe động cơ đốt trong và tăng cường sử dụng xe chạy điện thông qua việc đánh thuế nhiên liệu cao hơn. 

Ví dụ, ở Pháp, giá trung bình của một gallon xăng tương đương 7,50 USD vào tháng 2, so với mức chỉ 3,49 USD ở Mỹ. Do chi phí sử dụng xe đốt trong ở Mỹ tương đối thấp nên hiện tại không có động cơ tài chính mạnh mẽ nào để khiến người tiêu dùng chuyển sang dùng xe điện. 

Theo GasBuddy.com, giá xăng bán lẻ trung bình tại Mỹ có thể giảm 13 cent trong năm 2024 xuống 3,38 USD/gallon (1 gallon = 3,78 lít). EIA ước tính mức giảm còn lớn hơn – 17 cent.

Hoạt động sản xuất xe điện vướng rào cản

Trước sự cạnh tranh ngày một tăng từ Trung Quốc và các kế hoạch bành trướng toàn cầu của nước này, chính phủ Mỹ đã thực hiện một số biện pháp nhằm thúc đẩy sản xuất nội địa hóa với Đạo luật Giảm lạm phát (IRA).

Dù được ra đời nhằm bảo vệ nền kinh tế Mỹ, nhưng các quy định này có thể ảnh hưởng tiêu cực đến các nhà sản xuất ô tô thuần điện trong nước.

Bằng cách cố gắng loại Trung Quốc ra khỏi chuỗi sản xuất pin và cung ứng kim loại, các công ty như Tesla, General Motors (GM), Ford và Stellantis có thể gặp khó khăn hơn trong việc sản xuất trong nước nếu chuỗi cung ứng bị hạn chế. 

Tình trạng thiếu vật liệu thô giá cạnh tranh có thể khiến IRA biến thành trở ngại cho các nhà sản xuất ô tô Mỹ trong hoạt động sản xuất xe thuần điện. Đây là một lý do nữa khiến người tiêu dùng chưa muốn chuyển từ xe động cơ đốt trong sang xe điện. 

Yếu tố chính trị

Công dân Mỹ đang chuẩn bị cho chiến dịch bầu cử để chọn ra vị tổng thống tiếp theo. Các ứng cử viên nhiều tiềm năng nhất là Donald Trump và Joe Biden; và xe điện có thể sẽ trở thành vấn đề then chốt trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng.

Một mặt, chính quyền hiện tại đang cố gắng khẳng định lợi ích của IRA với nước Mỹ. Mặt khác, có một luận điệu mạnh mẽ tự động liên kết xe thuần điện với Trung Quốc.

Để đi đến quyết định chuyển sang dùng xe điện, người tiêu dùng cần có niềm tin vào cơ sở hạ tầng và chính sách (Ảnh minh họa: Getty Images).

Việc chưa có quan điểm chính trị rõ ràng đối với vấn đề này buộc một số nhà sản xuất ô tô phải trì hoãn kế hoạch điện khí hóa, đồng nghĩa với việc gửi đi thông điệp tiêu cực đến những khách hàng tiềm năng của thị trường xe điện.