Một số khách sạn và tòa nhà ở Trung Quốc bắt đầu cấm xe điện đỗ dưới hầm

0
26
Sau sự cố cháy xe điện đỗ dưới tầng hầm gây chấn động Hàn Quốc, một số khách sạn và tòa nhà thương mại ở Trung Quốc bắt đầu cấm xe điện vào các bãi đỗ xe ngầm.

Chính quyền thành phố Seoul của Hàn Quốc đang hoàn tất việc sửa đổi Hướng dẫn về Quy tắc Quản lý Chung cư, cho phép các đơn vị quản lý và chủ tòa nhà hạn chế xe điện đang có pin từ 90% trở lên vào các bãi đỗ xe ngầm. Dự kiến các quy định mới sẽ được hoàn tất và thông qua vào cuối tháng này.

Trung Quốc, thủ phủ xe điện của thế giới, không có những hạn chế tương tự, nhưng theo các trang China Press và Sin Chew Daily, một số khách sạn và tòa nhà văn phòng ở Chiết Giang đã cấm xe điện vào bãi đỗ xe dưới tầng hầm.

Thông tin này dựa trên bài đăng trên mạng xã hội của một tài xế bực bội chia sẻ ảnh chụp thông báo của một khách sạn ở Hàng Châu, nêu rõ rằng các xe sử dụng năng lượng mới không được phép vào bãi đỗ xe ngầm. Khách hàng được khuyến cáo đỗ xe ở bãi ngoài trời gần đó.

Việc đỗ xe điện dưới tầng hầm được cho là sẽ gây khó cho công tác chữa cháy trong trường hợp xảy ra hỏa hoạn (Ảnh minh họa: WapCar).

Trung Quốc gọi chung xe thuần điện (BEV) và xe hybrid sạc điện (PHEV) là xe năng lượng mới (NEV), sử dụng biển số màu xanh lá, nên quy định hạn chế như trên ở một số tòa nhà sẽ ảnh hưởng đến cả xe hybrid sạc điện.

Tin tức ở Hàng Châu nhanh chóng được tiếp nối bởi một bài viết khác trên trang NetEase về một tài xế xe biển xanh lá ở thành phố Ninh Ba gần Hàng Châu cũng bị cấm vào một tòa nhà văn phòng. Tuy nhiên, tin tức này, cùng với nhiều bài viết liên quan, đã bị gỡ.

Cư dân mạng Trung Quốc, đặc biệt là những người đang dùng xe BEV/PHEV biển số xanh, tỏ ra bất bình trước sự phân biệt đối xử này và đặt câu hỏi về tính hợp pháp của quyết định này.

Một chuyên gia tư vấn pháp lý giải thích rằng chủ sở hữu tòa nhà chịu trách nhiệm bảo đảm an toàn phòng cháy chữa cháy của tòa nhà, cũng như sự an toàn của những người ở bên trong. Họ cho rằng nếu việc hạn chế xe điện vào bãi đỗ xe ngầm là cần thiết cho an toàn cháy nổ, thì chủ tòa nhà có quyền cấm.

Có vẻ như đó không phải hai trường hợp đơn lẻ. Đài truyền hình trung ương CCTV của Trung Quốc cũng đã ghi nhận các thông tin từ Hàng Châu và Ninh Ba, nhưng giải thích rằng việc bố trí chỗ đỗ riêng cho xe điện và xe động cơ đốt trong truyền thống là không thực tế, vì sẽ không có đủ không gian cho bãi đỗ xe ngoài trời riêng cho mỗi tòa nhà.

Theo thống kê của Trung Quốc, xe năng lượng mới chiếm 45,2% số ô tô con mới bán ra trong tháng 6. Nếu không tính xe hybrid sạc điện và xe dùng động cơ đốt trong để sạc pin (EREV) thì xe thuần điện chỉ chiếm 25,5%. Xe động cơ đốt trong truyền thống chiếm 47,3%, PHEV chiếm 14,5%, EREV chiếm 5,3%; và xe hybrid tự sạc chiếm 7,5%.

Các cuộc thảo luận về việc hạn chế xe thuần điện vào bãi đỗ xe ngầm xuất phát từ sự cố ở Hàn Quốc vào tháng 8, khi một chiếc Mercedes-Benz EQE bỗng nhiên bốc cháy, làm hư hỏng khoảng 140 xe khác và khiến 1.581 hộ gia đình trong tòa nhà chung cư phải tạm thời di dời do đường dây cung cấp nước và điện cũng bị hư hại.

Một số chủ sở hữu xe bị hư hỏng cho biết bảo hiểm của họ không bao gồm những sự cố như vậy và họ sẽ phải chịu tổn thất.

Mức độ ảnh hưởng của sự cố hỏa hoạn và áp lực từ các hộ dân đã gây áp lực cho chính quyền thành phố Seoul (Hàn Quốc) và các tòa nhà loại bỏ các trạm sạc pin xe điện dưới tầng hầm và cấm xe điện vào bãi đỗ xe ngầm.

Việc này cũng gây nhiều tranh cãi vì chiếc EQE bị cháy thậm chí đang không cắm sạc khi lửa bắt đầu bùng phát, và không có thông tin về mức pin của xe, cũng như chưa có kết luận về nguyên nhân hỏa hoạn.

Tuy nhiên, người dân có cơ sở để lo lắng, vì dù xe điện có nguy cơ cháy thấp hơn xe động cơ đốt trong thông thường, nhưng nếu cháy thì khó kiểm soát, mức độ thiệt hại lớn, dễ ảnh hưởng tới hàng ngàn hộ gia đình sống trong các tòa chung cư cao tầng.

Trong sự cố cháy xe hồi tháng 8 ở Seoul, lực lượng cứu hỏa mất 8 tiếng mới kiểm soát được ngọn lửa.

Một bệnh viện ở Seoul đã cấm xe thuần điện vào bãi đỗ xe ngầm, cho rằng đó là biện pháp an toàn bổ sung cần thiết. Đài truyền hình Hàn Quốc cũng đã phỏng vấn đại diện một bệnh viện khác và được biết họ đang cân nhắc áp dụng biện pháp tương tự.

Tại Malaysia, các quy định của Sở Cứu hỏa về cơ sở hạ tầng sạc EV không cho phép lắp đặt trạm sạc nhanh DC ở dưới tầng hầm B1.

Các khu vực sạc nhanh phải có tường ngăn cháy lan, hệ thống phun nước và trần cao tối thiểu 1,5m. Ngoài ra còn có những quy định về khoảng cách tối đa từ một trụ cứu hỏa, van chữa cháy…

Việc sạc chậm AC vẫn có thể được triển khai ở tất cả các tầng, nhưng phải có hệ thống phun nước và kiểm soát khói. Tuy nhiên, các quy định này mới được ban hành vào tháng 9/2023, nhiều khu vực sạc pin xe điện dưới tầng hầm được xây dựng từ trước không đáp ứng được.

Sở Cứu hỏa đang cho phép thời gian ân hạn hai năm để các đơn vị quản lý và chủ sở hữu tòa nhà tuân thủ các quy định này. Nếu xảy ra cháy liên quan đến một cơ sở sạc pin xe điện không tuân thủ quy định trong bãi đỗ dưới tầng hầm trong thời gian ân hạn, thì họ có thể phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Diễn biến này được coi là một trở ngại đối với quá trình phổ biến xe thuần điện, nhưng trạm sạc pin cũng phải tuân thủ các quy định về an toàn cháy nổ giống như xe động cơ đốt trong và trạm xăng.

Sự thật không mấy dễ chịu ở đây là lực lượng cứu hỏa không ủng hộ việc đặt trạm sạc pin xe điện trong mỗi ngôi nhà và trong tất cả bãi đỗ xe ngầm.