Thêm hãng ô tô Trung Quốc vào Việt Nam, xe có gì để thu hút khách hàng?

0
26
Thương hiệu mới, số lượng trạm sạc và hệ thống đại lý còn hạn chế có thể sẽ khiến những ưu điểm của bộ đôi ô tô điện Aion trở nên chưa thực sự rực rỡ trong mắt người dùng nước ta.

Hãng ô tô thuần điện Aion trực thuộc Tập đoàn Ô tô Quảng Châu (GAC Group) đã chính thức ra mắt người tiêu dùng Việt Nam cùng hai sản phẩm đầu tiên là Aion ES (sedan hạng D) và Aion Y Plus (crossover hạng C).

Khác với GAC Motor do công ty TC Services Việt Nam phụ trách, Aion (mảng xe thuần điện) sẽ được phân phối bởi Harmony Việt Nam thuộc tập đoàn Harmony Auto.

Aion Y Plus

So với Aion ES, Aion Y Plus nhận được nhiều sự quan tâm hơn bởi xe được định vị thuộc phân khúc C-CUV đang “hot” tại Việt Nam. Cũng vì vậy mà áp lực cạnh tranh lớn, với đủ các dòng sản phẩm, từ xe sử dụng động cơ xăng/dầu như Mazda CX-5 (749-979 triệu đồng), Hyundai Tucson (769-989 triệu đồng), Ford Territory (799-929 triệu đồng), hybrid gồm Haval H6 HEV (986 triệu đồng) và Honda CR-V e:HEV RS (1,259 tỷ đồng) và cả xe điện VinFast VF 7 (từ 850 triệu đồng).

Thậm chí, giá bán 888 triệu đồng của Aion Y Plus còn ngang ngửa “đồng hương” BYD Atto 3 bản Premium.

Đèn định vị ban ngày lấy cảm hứng từ đôi cánh thiên thần là chi tiết đáng chú ý ở đầu xe (Ảnh: Aion).

Kích thước của Aion Y Plus khá ấn tượng với số đo dài x rộng x cao lần lượt là 4.545 x 1.870 x 1.650(mm), song chiều dài cơ sở 2.750mm của xe vẫn kém VF 7 tới 90mm. Khoảng sáng gầm 150mm.

Ngoại hình của Aion Y Plus sở hữu nhiều đường nét mềm mại và bầu bĩnh, mang dáng dấp MPV nhiều hơn là crossover, đặc biệt là đầu xe ngắn và cửa sổ được mở rộng theo phương dọc. Toàn bộ đèn chiếu sáng ngoại thất sử dụng công nghệ LED.

Phiên bản Premium sử dụng la-zăng 18 inch đi kèm tay nắm cửa dạng ẩn, tối ưu tính khí động học. Cột C và mảng ốp bao quanh bánh xe, dọc cánh cửa hay cản sau được thiết kế cách điệu và lạ mắt.

Đèn hậu LED thanh mảnh ôm trọn bề ngang đuôi xe Aion Y Plus (Ảnh: Aion).
Với toàn bộ hàng ghế sau được gập xuống, khoang hành lý sẽ tăng từ 405 lít lên 1.200 lít (Ảnh: Aion).

Đi theo phong cách quen thuộc của nhiều mẫu ô tô Trung Quốc, Aion dồn hầu hết cụm điều khiển chức năng vào màn hình cảm ứng trung tâm 14,6 inch, hỗ trợ kết nối Apple CarPlay/Android Auto. Đèn trang trí nội thất 32 màu có thể tự động nhấp nháy theo nhạc được phát ra từ dàn âm thanh 6 loa Bongiovi.

Mục đích phục vụ gia đình đúng chất MPV của Aion Y Plus được thể hiện qua việc cửa xe có thể mở góc tối đa gần 90 độ, thuận tiện cho người dùng ra/vào xe hoặc lắp đặt ghế trẻ em.

Số lượng nút bấm vật lý trong khoang lái của Aion Y Plus được cắt giảm tới mức tối thiểu (Ảnh: Aion).

Danh sách tiện ích nổi bật bao gồm: bảng đồng hồ kỹ thuật số 10,25 inch, hàng ghế trước chỉnh điện tích hợp thông gió/sưởi ấm, điều hòa tự động lọc bụi mịn PM2.5, ghế bọc da phối 2 tông màu, gương chiếu hậu chống chói tự động, sạc không dây chuẩn Qi, cần số điện tử và cốp chỉnh điện. Cửa sổ trời toàn cảnh có mặt trên cả hai phiên bản.

Người dùng có thể tạo ra cặp giường dài 1,8m bằng cách ngả hàng ghế trước hết cỡ về sau (Ảnh: Aion).

Với phiên bản Premium vừa được mở bán, Aion Y Plus có hàm lượng tính năng an toàn tương đương các đối thủ cùng tầm giá với 6 túi khí và nhiều tính năng ADAS như kiểm soát hành trình thích ứng ở mọi dải vận tốc, phanh khẩn cấp tự động, hỗ trợ giữ làn đường và hỗ trợ di chuyển trong điều kiện kẹt xe.

Tuy nhiên, cảm biến hỗ trợ đỗ xe phía trước và cảm biến áp suất lốp hiển thị thông số chi tiết của từng bánh xe là những trang bị vắng mặt trên chiếc crossover đến từ đất nước tỷ dân này.

Chất lượng hiển thị của hệ thống camera 540 độ khá tốt (Ảnh: Aion).

204 mã lực và 225Nm là công suất tối đa và mô-men xoắn cực đại được sản sinh từ động cơ điện dẫn động cầu trước trên Aion Y Plus, tức ngang ngửa Atto 3 về sức mạnh nhưng thua xa về sức kéo. Nhà sản xuất công bố xe có thể di chuyển tối đa 490km (chuẩn NEDC) với cụm pin LFP 63,2 kWh, chỉ chênh lệch khoảng 10km so với các đối trọng CUV chạy điện khác.

Thời gian nạp pin 30-80% ngắn nhất là khoảng 35 phút nếu người dùng cắm sạc tại trụ sạc DC 120kW, trong khi sạc 0-100% bằng bộ sạc AC 7,4kW đi kèm với phương tiện sẽ mất tới 9 tiếng. Các chủ xe Aion Y Plus bản Premium có thể dùng bộ chuyển đổi được Aion tặng để sử dụng tính năng Vehicle-to-Load (V2L), biến chiếc xe trở thành máy phát điện di động trong một số tình huống.

Ngoài chế độ lái Normal, Eco và Sport quen thuộc, Aion Y Plus còn có chế độ i-Pedal, cho phép người lái chỉ cần nhả bàn đạp ga để phanh (Ảnh: Aion).

Aion ES

Rẻ hơn Aion Y Plus Premium đúng 100 triệu đồng là Aion ES, mẫu xe được thương hiệu “tân binh” tại Việt Nam xếp vào phân khúc sedan hạng D. Mức giá 788 triệu đồng của Aion ES thấp hơn đáng kể so với con số 1,119-1,359 tỷ đồng của BYD Seal, 1,105-1,495 tỷ đồng của Toyota Camry và tương đương Mazda6 bản 2.0 Premium GTCCC (790 triệu đồng) và MG7 1.5T Luxury (738 triệu).

Ngoài ra, người tiêu dùng còn có một số lựa chọn cỡ C như Honda Civic G (770 triệu đồng) hay Toyota Corolla Altis 1.8V (780 triệu đồng).

Tương tự Aion Y Plus, số đo các vòng của ES cũng rơi vào trạng thái lỡ cỡ với chiều dài x rộng x cao 4.810 x 1.880 x 1.545(mm) và chiều dài cơ sở 2.750mm – nhỉnh hơn 25-35mm so với Mazda3, Honda Civic và kém tiêu chuẩn 2.800mm của phân khúc D.

Thiết kế bên ngoài của Aion ES trung tính và có phần giống xe dùng động cơ đốt trong hơn, dễ hợp mắt số đông hơn Y Plus. Chiếc sedan này nổi bật với mui xe vuốt dốc mang hơi hướng coupe, cụm đèn pha hình chữ “Y” và đèn hậu vắt ngang đuôi xe đều dùng bóng LED và hốc hút gió cỡ lớn hình lập phương nằm thấp ở phía trước.

Hệ số cản gió của Aion ES chỉ 0,211 Cd, thấp nhất nhóm ô tô phổ thông dưới 1 tỷ đồng tại Việt Nam (Ảnh: Aion).

“Dàn chân” của Aion ES khá khiêm tốn với la-zăng 17 inch được bọc trong bộ lốp 215/55 R17, song đây là chi tiết có thể chấp nhận được khi xét đến giá bán của chiếc sedan này. Điểm trừ dành cho bộ đôi ô tô Aion đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam về mặt thông số là hệ thống treo thanh xoắn phía sau thay vì độc lập đa điểm như phần đông cái tên cùng tầm giá.

Cốp xe rộng 450 lít (Ảnh: Aion).

Bước vào bên trong, nội thất cơ bản và đơn điệu của Aion ES sẽ khiến nhiều người bất ngờ. Không màn hình cỡ lớn, không màu sắc rực rỡ, thứ mà khách hàng nhận lại một khoang lái với tông màu đen chủ đạo được chấm phá thêm các chi tiết mạ bạc tương phản, bảng đồng hồ analog tích hợp màn hình màu 3,5 inch và màn hình cảm ứng 8 inch “lọt thỏm” giữa mảng nhựa đen bóng dàn ngang bảng táp-lô.

Nội thất của Aion ES không “full option” như nhiều mẫu ô tô Trung Quốc trên 700 triệu đồng (Ảnh: Aion).

Phần còn lại trong danh sách trang bị tiện nghi của Aion ES cũng dừng ở mức cơ bản so với mặt bằng chung của phân khúc và giá bán như điều hòa tự động 2 vùng độc lập đi kèm bộ lọc bụi mịn PM2.5, núm xoay chuyển số dạng điện tử, phanh tay điện tử tích hợp Auto Hold, kiểm soát hành trình thông thường, cửa gió điều hòa và cổng sạc cho cả hai hàng ghế, đèn ngoại thất/gạt mưa tự động và gương chiếu hậu chống chói tự động. Ghế lái và ghế hành khách đều chỉnh cơ.

Hàng ghế sau tương đối rộng rãi nhưng thiếu một số tiện nghi như tựa đầu cho vị trí giữa hay bệ tỳ tay trung tâm (Ảnh: Aion).

Hệ động lực của Aion ES cũng không quá xuất sắc với mô-tơ điện dẫn động cầu trước có công suất tối đa 134 mã lực và mô-men xoắn cực đại 225Nm, kết hợp với bộ pin LFP 55,2 kWh đủ sức cho chiếc sedan đi được 442km sau mỗi lần sạc đầy. Người dùng sẽ phải chờ 35-40 phút để bộ pin được nạp từ 30-80% với trụ sạc DC 120kW. Chế độ vận hành i-Pedal vẫn hiện diện trên Aion ES.

Ở khía cạnh an toàn, xe có 6 túi khí, hỗ trợ phanh ABS/EBD/BA, hỗ trợ khởi hành ngang dốc, cân bằng điện tử, cảnh báo áp suất lốp, camera lùi và cảm biến lùi.

Người dùng sẽ không thể tìm thấy những tính năng ADAS như hỗ trợ giữ làn đường hay cảnh báo tiền va chạm trên chiếc sedan này (Ảnh: Aion).

Tính đến hiện tại, Harmony Việt Nam chỉ mới đưa vào hoạt động một đại lý Aion 3S ở quận 7, TPHCM với 2 trụ sạc DC có tổng công suất 120kW và các trụ sạc AC. Đơn vị này cũng chia sẻ rằng họ đang trong quá trình mở rộng mạng lưới đại lý nhưng không cho biết kế hoạch cụ thể.

Về vấn đề trạm sạc, giống như cách BYD và hầu hết thương hiệu xe điện gia nhập thị trường Việt Nam, Aion chọn giải pháp liên kết với bên thứ ba như EV ONE, EverCharge…

Nhìn chung, giá bán đang là một trong những trở ngại lớn nhất của những chiếc Aion tại Việt Nam, song song với việc thương hiệu mới đến từ Trung Quốc hay độ phủ của hệ thống trạm sạc hạn chế. Aion cần có định hướng và chiến lược phù hợp nhằm giải quyết những rào cản nếu muốn có chỗ đứng tại thị trường nước ta, theo chuyên gia nhận định.