Xe điện Trung Quốc – Thành công ở nội địa, chật vật tại Việt Nam

0
26
Tại Việt Nam, xe điện Trung Quốc chưa bùng nổ vì nhiều yếu tố, không đơn thuần chỉ là câu chuyện về chất lượng hay tính thanh khoản.

Với các hãng xe lớn, Việt Nam đang là một thị trường tiềm năng với nhiều cơ hội phát triển. Không nằm ngoài xu thế, nhiều thương hiệu xe Trung Quốc liên tục gia nhập nước ta trong vài năm gần đây, đem lại cho người dùng nhiều lựa chọn mới, đa dạng về chủng loại, có cả xe hybrid lẫn thuần điện.

Đáng chú ý, trong những cái tên đến từ quốc gia tỷ dân, có sự góp mặt của một số hãng xe điện đang “làm mưa làm gió” tại thị trường nội địa, như Wuling hay BYD. Dù rất thành công tại quê nhà nhưng khi vào Việt Nam, những mẫu xe điện Trung Quốc này dường như đang gặp trở ngại. Nguyên nhân do đâu?

Xe điện tại Trung Quốc có nhiều chính sách hỗ trợ

Nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi của ngành công nghiệp ô tô trong nước, Trung Quốc đang áp dụng nhiều chính sách hỗ trợ đối với xe thuần điện.

Theo thông tư do Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia (NDRC) và Bộ Tài chính Trung Quốc ban hành vào 23/7, người dùng thay thế ô tô sử dụng động cơ đốt trong bằng ô tô điện sẽ nhận được một khoản trợ cấp là 20.000 nhân dân tệ (quy đổi khoảng 70 triệu đồng) cho mỗi xe, gấp đôi trước đó.

Wuling Mini EV là xe điện cỡ nhỏ bán chạy nhất thế giới năm 2023 nhưng khi về Việt Nam, mẫu xe này vẫn khó thành công (Ảnh: Nguyễn Lâm).

Chưa kể, các thành phố lớn như Bắc Kinh hay Thượng Hải còn có nhiều quy định hạn chế ô tô sử dụng động cơ đốt trong, ví dụ như giới hạn lượng phương tiện được cấp đăng ký biển số mỗi năm. Người dùng muốn mua xe phải tham gia bốc thăm, với tỉ lệ “chọi” lên tới 1:20.

Nếu mua xe điện, người dân vẫn có thể làm thủ tục đăng ký biển số như thường, không cần phải bốc thăm. Do đó, dù “đất nước tỷ dân” này có nhiều thương hiệu xe điện nội địa nhưng vẫn thu hút các ông lớn trên thế giới cạnh tranh, ví dụ như Tesla.

Chưa thực sự thuận tiện khi sử dụng tại Việt Nam

Bên cạnh những chính sách hỗ trợ hấp dẫn, yếu tố tiên quyết khiến người dân Trung Quốc đón nhận loại hình xe điện chính là việc thuận tiện khi sạc. Với lợi thế chuyển đổi từ sớm nên đến nay, hệ thống trạm sạc công cộng tại quốc gia này đã khá hoàn thiện, có độ phủ lớn và chi phí sạc rẻ hơn đổ nhiên liệu.

Trong khi đó, lĩnh vực xe điện tại Việt Nam vẫn còn mới. Câu chuyện xe điện có trước hay trạm sạc có trước tương tự “con gà quả trứng”. Dù đã có đơn vị thứ 3 phát triển trạm sạc công cộng nhưng vẫn còn ít ỏi, phạm vi chưa rộng.

Không phải hãng xe nào cũng “tất tay” như VinFast, làm trạm sạc trước khi mở bán xe điện. Đến nay, hãng xe Việt đã sở hữu hệ thống trạm sạc độc quyền gần như phủ khắp toàn quốc, nhưng chưa có ý định chia sẻ cho các thương hiệu khác.

Khách Việt mua xe điện tại Việt Nam vẫn có xu hướng chọn VinFast, do hãng đã phát triển dải sản phẩm tương đối hoàn thiện. Bên cạnh đó, thương hiệu Việt còn có nhiều ưu đãi hấp dẫn, đáng chú ý nhất là miễn phí sạc tại trạm V-Green từ 1/7 (1-2 năm tùy sản phẩm) (Ảnh: Nguyễn Lâm).

Tất nhiên rằng xe điện không hoàn toàn phụ thuộc vào các trạm sạc, người dùng vẫn có thể sạc điện tại nhà thông qua bộ sạc cầm tay. Đánh đổi là nguồn điện dân dụng không mạnh, cần phải cắm sạc qua đêm mới có thể đầy pin.

Nhưng với mật độ quy hoạch đô thị tại Việt Nam như hiện nay, không phải người dùng nào cũng có thể đánh xe vào tận nhà để sạc. Dù một mẫu ô tô điện cỡ nhỏ như Wuling Mini EV với lời quảng cáo là có thể ra vào ngõ nhỏ, nhưng vẫn sẽ phải “bó tay” trước những ngách/hẻm chỉ rộng đủ 1 chiếc xe máy đi lọt.

Một đại lý BYD tại Hà Nội đã lắp đặt một số trụ sạc nhanh, tung ưu đãi miễn phí sạc điện 24/7 đến hết năm 2024, nhằm thu hút khách hàng mua xe điện BYD (Ảnh: Nguyễn Lâm).

Giá bán chưa đủ hấp dẫn trong mắt khách Việt

Bỏ qua yếu tố sạc điện, một trong những nguyên nhân khiến xe điện Trung Quốc chưa thành công tại Việt Nam là giá bán. Trong mắt người dùng Việt, các sản phẩm đến từ đất nước tỷ dân cần phải có mức giá rẻ hơn 30-50% so với các mẫu xe Nhật Bản hay Hàn Quốc.

Định kiến này xuất phát từ những chiêu bài giảm giá của xe Trung Quốc. Nhằm tăng sức cạnh tranh, những sản phẩm đến từ thị trường này thường được giảm giá sâu sau một thời gian ra mắt, lấy ví dụ Haval H6 HEV, được niêm yết gần 1 tỷ đồng nhưng thường xuyên được giảm xuống 840 triệu đồng tại đại lý.

Haval H6 HEV được nhập khẩu nguyên chiếc từ Thái Lan, thường xuyên được giảm giá tới cả trăm triệu đồng nhưng chưa hút khách, chủ yếu do thương hiệu còn mới (Ảnh: Nguyễn Lâm).

Quay trở lại với xe điện Trung Quốc, Wuling Mini EV có giá bán lẻ đề xuất dao động trong khoảng 239-279 triệu đồng khi ra mắt vào năm 2023. Mức giá này đưa mẫu xe này vào vị thế ô tô rẻ nhất Việt Nam nhưng với khách Việt, con số trên vẫn chưa đủ hấp dẫn, khi đặt lên bàn cân cùng trang bị.

Đầu tháng 8, Wuling Mini EV được nhà phân phối điều chỉnh giá bán lẻ đề xuất giảm nhiều nhất 58 triệu đồng, hạ xuống mức 197-231 triệu đồng. Thế nhưng, vẫn có ý kiến cho rằng mức giá này vẫn chưa đủ thuyết phục, nên xuống khoảng 150-200 triệu đồng.

Tại Trung Quốc, Wuling Mini EV có giá khởi điểm quy đổi khoảng 117 triệu đồng. Giới chuyên gia nhận định, dù mẫu xe này được lắp ráp tại Việt Nam nhưng vẫn phải nhập khẩu nhiều linh kiện, nên giá bán khó rẻ như thị trường quê nhà (Ảnh: Nguyễn Lâm).

BYD chính thức gia nhập Việt Nam vào tháng 7 với 3 sản phẩm tiên phong là Dolphin, Atto 3 và Seal. Các mẫu xe này sở hữu kích thước lần lượt nằm ở phân hạng hatchback cỡ B, C-SUV và sedan hạng D.

Không như kỳ vọng của khách Việt, giá bán của 3 mẫu xe này không rẻ, ngang với đối thủ và các mẫu xe sử dụng động cơ đốt trong. BYD Dolphin có 1 phiên bản, giá 659 triệu đồng; Atto 3 được phân phối với 2 phiên bản cùng mức giá 766-866 triệu đồng; giá bán của Seal dao động 1,119-1,359 tỷ đồng.

BYD Seal được xem là một trong những lựa chọn sedan thuần điện phổ thông hiếm hoi tại Việt Nam, nhưng giá bán của mẫu xe này thậm chí đắt hơn một số mẫu xe xăng cùng cỡ như Mazda6 (769-874 triệu đồng) hay Kia K5 (859-999 triệu đồng) (Ảnh: Nguyễn Lâm).

Do đó, dù là thương hiệu ô tô bán chạy nhất Trung Quốc với thành tích gần nhất là hơn 1,6 triệu xe bán ra trong nửa đầu năm 2024, nhưng BYD vẫn gặp rào cản tại Việt Nam. Theo chia sẻ từ phía tư vấn bán hàng, khách hàng có quan tâm đến xe BYD nhưng tỉ lệ chốt đơn chưa cao, một phần vì giá bán cao nhưng hãng chưa sẵn sàng giảm giá.

Giới chuyên gia nhận định, việc BYD chưa muốn hạ giá có thể liên quan đến sự việc gần đây tại Thái Lan. Cụ thể là hãng xe điện Trung Quốc gặp phải làn sóng khiếu nại vì giảm giá liên tục, khiến khách hàng đã mua xe có cảm giác như bị lừa.

“Mình quan tâm đến mẫu BYD Dolphin nhưng mức giá hiện tại với tài chính của mình là vẫn cao, có thể sẽ cân nhắc khi giá xe hạ xuống 550 triệu đồng” – anh Phạm Sơn, một người dùng đến từ Hà Nội chia sẻ với phóng viên báo Dân trí (Ảnh: Nguyễn Lâm).

Chiêu bài giảm giá có thể xem là một nước đi “uống rượu độc giải khát”, theo nhận định của giới chuyên gia. Đồng ý là trong bối cảnh cạnh tranh, những sản phẩm có giá tốt sẽ có sức hút lớn hơn, nhưng sẽ ảnh hưởng đến hình ảnh của thương hiệu về lâu dài.

Lo ngại về tính thanh khoản

Kể cả khi chấp nhận giảm giá, các dòng xe đến từ Trung Quốc vẫn sẽ gặp phải rào cản đến từ tâm lý của người dùng. Ô tô dù đã phổ biến hơn nhưng vẫn là tiêu sản có giá trị lớn, nên khách Việt thường quan tâm đến tính thanh khoản khi bán lại.

Không chỉ riêng xe Trung Quốc, các sản phẩm Hàn Quốc cũng đã từng phải đối mặt với tình trạng này, ở giai đoạn năm 2015 trở về trước. Tính thanh khoản của một mẫu xe được quyết định dựa trên chất lượng của sản phẩm, và cũng phụ thuộc vào cộng đồng người sử dụng.

Nếu sở hữu đông đảo người dùng, xe sẽ dễ tìm chủ khi bán lại. Nếu không có nhiều người quan tâm, thì bắt buộc phải hạ giá thấp để thu hút sự quan tâm; đó cũng là yếu tố giúp các dòng xe Nhật Bản được ưa chuộng, khi sự bền bỉ đã được kiểm chứng qua năm tháng, đồng thời sở hữu tính thanh khoản tốt.